|
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chữa trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút SARS |
Với họ, đối diện và khống chế thành công con vi rút gây kinh hoàng cho cả thế giới này là hồi ức khó quên. Những ngày này, Corona - vi rút được coi có “mối quan hệ” với chủng vi rút SARS 17 năm trước đang hoành hành tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, người từng trực tiếp lao vào “cuộc chiến SARS” tại Việt Nam từ 13.3.2003 tiếp tục phải tham gia các chương trình phòng chống vi rút Corona bây giờ. Chị Phạm Thị Ngọc Dung, y tá trưởng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cũng là người trải qua hai mùa dịch.
Đầu tháng 3.2003, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà khi đang là trưởng phòng Hồi sức cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) nhận được tin bệnh nhân John Chong Cheng từ Hồng Kông (Trung Quốc) sang Việt Nam bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, không có dấu hiệu thuyên giảm. Ông được chuyên cơ chuyển về Hồng Kông và tử vong trong bệnh viện ở đây vào ngày 15.3.2003. Lo ngại bao trùm Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Vì khi John Chong Cheng rời đi đã có 5 y, bác sĩ bệnh viện này nhiễm bệnh “lạ” được gọi là SARS. Từ đó trở đi, trong hơn một tháng, Việt Nam có 63 trường hợp nhiễm bệnh SARS.
![]() |
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong thời gian tham gia chữa trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút SARS |
“Khi đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư phải tiếp nhận và điều trị cho 34 trường hợp gồm 24 người bệnh và 10 trường hợp được chuyển từ Bệnh viện Việt Pháp sang. Trong số này, có tới gần một nửa trường hợp diễn biến nặng dẫn tới suy hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà kể. Tôi hỏi: “Thật sự lúc đó ông có bị áp lực, lo sợ khi trực tiếp tham gia "cuộc chiến" chống SARS?”. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà từ tốn nói: “Đến bây giờ, chúng tôi vẫn ám ảnh vì dịch bệnh kinh hoàng. Bệnh SARS lúc đó lây lan chủ yếu ở bệnh viện, đối với những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Nhưng chúng tôi phải dấn thân bằng lương tâm, trách nhiệm”.
![]() |
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà |
![]() |
Bệnh nhân Corona tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa được điều trị thành công |
Tại VN, dịch SARS bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 2.2003 và được khống chế, chấm dứt hoàn toàn vào ngày 18.4.2003. Ngày 28.3.2003, Bộ Y tế đã ra quyết định đóng cửa hoàn toàn Bệnh viện Việt Pháp để khử khuẩn vì có 44 y, bác sĩ nhiễm bệnh, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. 10 bệnh nhân còn lại được chuyển sang Viện Y học lâm sàng bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
Nói về dịch bệnh Corona, bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo dịch bệnh như SARS hay Corona hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cộng đồng phải có chung ý thức phòng bệnh. Khi có triệu chứng sốt cao, người nhức mỏi phải lập tức đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh và nói rõ biểu hiện của mình để y, bác sĩ có phương pháp can thiệp, điều trị tốt nhất và tránh dịch bệnh lây lan. Tính cảnh giác của tất cả các cơ sở y tế, các y, bác sĩ đều phải đề cao. Nếu có trường hợp sốt cao nhập viện, phải có biện pháp bảo hộ và chẩn đoán, khám chữa bệnh thận trọng.
|