Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19

Thứ bảy, 15/02/2020, 08:47
Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngay tại Vĩnh Phúc (11 trong tổng số 16 ca cả nước), lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định tự tin hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Đội chống dịch của Bộ Y tế hỗ trợ Vĩnh Phúc kiểm soát dịch và điều trị bệnh

Ngày 14.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19), chủ trì hội nghị trực tuyến của ban chỉ đạo với các địa phương.

Vĩnh Phúc những ngày nóng bỏng trong dịch bệnh virus corona

Tại hội nghị, các ý kiến của các địa phương đều thống nhất nhận định, đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ngay tại địa phương có số người nhiễm bệnh nhiều nhất là Vĩnh Phúc (11 trong tổng số 16 ca cả nước), lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định tự tin hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, ban chỉ đạo cũng như đại diện các bộ, ngành, địa phương thống nhất rằng dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, cả hệ thống cần tiếp tục vào cuộc để phòng chống.
Cụ thể, cần tiếp tục việc cách ly, đón công dân từ vùng dịch về nước theo đúng quy định; mở rộng diện giám sát và giám sát chặt các trường hợp nghi ngờ, nhất là những người có các dấu hiệu, triệu chứng dịch bệnh.
Đối với nơi có dịch phải tập trung khoanh vùng, dập dịch tại chỗ. Quyết liệt triển khai các biện pháp toàn diện để dập dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, đường biên giới (cả phía Bắc và phía Tây, Nam) không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo tinh thần vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết; chống dịch phải tuyệt đối an toàn, nhưng không cực đoan; không vì chống dịch mà để ảnh hưởng tới các hoạt động khác, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.
Cùng ngày, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly. Bộ TT-TT đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Vĩnh Phúc đảm bảo đời sống người dân vùng bị phong tỏa

Chiều 14.2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc họp báo để thông tin về diễn biến và việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết ngay khi phát hiện ca đầu tiên là nữ công nhân người xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo rà soát trong toàn tỉnh, lên danh sách những nhóm người cần giám sát. Công an tỉnh điều tra lịch trình di chuyển từng người trở về từ vùng có dịch và các tỉnh của Trung Quốc, từ đó lập sơ đồ di chuyển, kết hợp sàng lọc, xét nghiệm… và chia thành 4 nhóm: những người đã nhiễm virus; người tiếp xúc gần; người trở về từ vùng có dịch và người từng tiếp xúc với những nhóm nói trên.
Theo ông Lê Duy Thành, tại xã Sơn Lôi, UBND tỉnh đã lập 12 chốt để cách ly, theo dõi sức khỏe người dân. Qua rà soát tại các khu công nghiệp của tỉnh, có 87.000 công nhân làm việc, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đo thân nhiệt cho toàn bộ số lao động này. Vĩnh Phúc cũng xác định và giám sát được những chuyên gia từ 31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đang làm việc tại đây. “Đến giờ phút này, chúng tôi có thể tự tin khẳng định, dịch bệnh do vi rút Covid-19 ở Vĩnh Phúc đã được kiểm soát tốt bằng nhiều biện pháp mạnh”, ông Thành nói.

Công dân Vĩnh Phúc bị cách ly không đúng quy định tại Quảng Trị

Tại cuộc họp báo chiều qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thông tin về trường hợp ông Nguyễn Văn D., trú tại TT.Yên Lạc, H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc, bị cơ quan chức năng H.Triệu Phong (Quảng Trị) cách ly tại chỗ do lo ngại lây nhiễm Covid-19; dù nơi ông D. sinh sống cách vùng dịch xã Sơn Lôi khoảng 40km và ông này không nằm trong số người có nguy cơ lây nhiễm phải cách ly. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống dịch bệnh Covid-19 để có ý kiến chỉ đạo với các địa phương liên quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trung, Chủ tịch UBND H.Bình Xuyên, cho biết người dân xã Sơn Lôi đồng thuận với việc cách ly. Cuộc sống sau 2 ngày khoanh vùng, cách ly tại Sơn Lôi không có gì xáo trộn. UBND H.Bình Xuyên đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm hằng ngày cho hơn 10.600 người dân của xã. Hằng ngày, có lực lượng đi đo thân nhiệt từng người dân trong xã, 8 điểm bán hàng đúng giá thị trường được lập tại 6 thôn, cung cấp toàn bộ thực phẩm tươi sống, rau xanh… và mọi vật dụng cho nhân dân.
“Chúng tôi đảm bảo cung cấp đủ nước rửa tay, khẩu trang cho người dân, không có chuyện thiếu thốn. Người dân cũng tích cực hợp tác, nhiều gia đình cũng tạm dừng, lùi lại các đám cưới hỏi, các hoạt động văn hóa có tụ tập đông người để ngăn dịch lây lan”, ông Trung khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin đã có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ vật chất cho xã Sơn Lôi với trên 11.000 bánh xà phòng rửa tay, trên 11.000 khẩu trang và trên 3.000 bình hóa chất lau rửa, khử trùng sàn nhà.
Đến ngày 14.2, Vĩnh Phúc còn 73 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế. Số liên quan tiếp xúc gần là 339 trường hợp, 178 trường hợp đã được lấy mẫu theo dõi. Có 194 người không có triệu chứng sau khi tiếp xúc gần với người có nguy cơ nhưng đã qua 14 ngày theo dõi.

Không để người bị cách ly có cảm giác bị cô lập

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM có buổi giao ban đầu tiên sau 4 ngày đưa vào hoạt động chính thức bệnh viện dã chiến tại ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi nhằm cách ly người về từ vùng dịch Covid-19. Tính đến sáng 14.2, bệnh viện dã chiến tiếp nhận cách ly 8 người (6 nữ, 2 nam) từ Trung Quốc trở về, trong đó có 3 người ngụ TP.HCM và 5 người ngụ các tỉnh Tây Ninh, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Thuận. Đặc biệt, có một nữ đang mang thai tuần thứ 15. Tất cả sức khỏe đều ổn định, không sốt, không có triệu chứng bất thường.
Sở Y tế và Bộ tư lệnh thống nhất trang bị phương tiện liên lạc thuận lợi cho người bị cách ly và nhân viên y tế qua hệ thống camera thông minh, thiết bị phát wifi, trang bị màn hình ti vi cho mỗi phòng cách ly giúp cho người bị cách ly không có cảm giác bị cô lập trong thời gian cách ly tại bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị BV Bệnh nhiệt đới xin ý kiến ở BV Phụ sản Từ Dũ để theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân đang có thai.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm TP, tính đến 14.2 TP có tổng số người được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú là 2.782, trong đó 1.477 người đã hết thời gian theo dõi và hiện còn đang theo dõi là 1.305 người. Các trường hợp theo dõi chưa có trường hợp nào có dấu hiệu bệnh.

Người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc đều được coi là bệnh nhân

Ngày 14.2, Bộ Y tế chính thức thông tin về việc áp dụng cách ly nghiêm ngặt 14 ngày.

Người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc đều được coi là bệnh nhân

Ngày 14.2, Bộ Y tế chính thức thông tin về việc áp dụng cách ly nghiêm ngặt 14 ngày với các ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Trong đó, người đi từ các vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng. Riêng tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.

Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng, áp dụng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch thuộc 31/31 địa phương của Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.
Đến 17 giờ ngày 14.2, Việt Nam xác định 16 ca dương tính nCoV, trong đó 7 ca đã chữa khỏi và xuất viện; 82 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV (có dấu hiệu sốt, ho), đến từ vùng dịch đang tiếp tục cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng; 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly do đã tiếp xúc gần với người nghi bị nhiễm nCoV.
Với các ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Trong đó, người đi từ các vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng. Riêng tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.

Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng, áp dụng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch thuộc 31/31 địa phương của Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.
Đến 17 giờ ngày 14.2, Việt Nam xác định 16 ca dương tính nCoV, trong đó 7 ca đã chữa khỏi và xuất viện; 82 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV (có dấu hiệu sốt, ho), đến từ vùng dịch đang tiếp tục cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng; 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly do đã tiếp xúc gần với người nghi bị nhiễm nCoV.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích