Vì sao Bộ GD&ĐT không cho học sinh nghỉ xuân thay nghỉ hè để phòng Covid-19?

Thứ bảy, 15/02/2020, 10:55
Một trong những lý do Bộ GD&ĐT không cho học sinh nghỉ xuân phòng dịch là do Bộ không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước, thẩm quyền này thuộc UBND tỉnh, thành phố.

Lý do Bộ GD&ĐT không cho nghỉ xuân để phòng dịch là để đảm bảo hoàn thành đúng các mốc thời gian trong một năm học và không làm ảnh hưởng năm học sau.

Trước nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng nên cho học sinh nghỉ xuân thay hè trong năm học năm nay để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: "Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT Quốc gia, không thể lùi đến sang năm được".

Theo ông Thành, một năm học có những mốc thời gian phải thực hiện như thời điểm kết thúc, hoàn thành xét tốt nghiệp tiểu học, THCS, tuyển sinh vào lớp 10. Khi lùi thời gian kết thúc năm học, các mốc trên cũng phải điều chỉnh dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng nhiều kế hoạch năm tiếp theo.

Chính vì vậy, dựa vào tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn.

"Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc năm học có thể kéo dài 2 đến 3 tuần. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có căn cứ làm khung điều chỉnh kế hoạch năm học", ông Thành thông tin.

Ngoài ra, theo ông Thành, Bộ GD&ĐT không thể quyết định thời gian nghỉ của học sinh cả nước vì theo quy định hiện nay thẩm quyền này thuộc UBND tỉnh, thành phố.

Với các địa phương đặc thù như Vĩnh Phúc, thời gian dịch bệnh có thể kéo dài. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sức khỏe của học sinh, giáo viên đặt lên hàng đầu. Học sinh cần cách ly theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và Bộ Y tế.

Thời gian nghỉ của học sinh ở tỉnh này có thể kéo dài hơn. Địa phương cần nỗ lực tổ chức học bù sau khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Học sinh cũng phải cố gắng hơn về thời gian tập trung học tập so với các địa phương khác.

"Học sinh ở Vĩnh Phúc nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương. Nếu đủ thẩm quyền, Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết định. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội về việc này", ông Thành nói.

Hiện, căn cứ tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương quyết định cho học sinh nghỉ hai tuần, có nơi nghỉ hết tháng hai. Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT cho rằng, để đảm bảo kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại học cơ quan quản lý nên rút gọn thời gian chuẩn bị hoạt động giáo dục để ôn tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, dựa vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có hướng dẫn về thời điểm tổ chức thi THPT quốc gia phù hợp. Hướng dẫn này sẽ có trước khi học sinh quay trở lại trường, để các địa phương điều chỉnh quỹ thời gian học bù.

Chiều 14/2, Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ học đến hết 23/2. TP.HCM cho học sinh nghỉ học hết tháng 2 và sẽ kiến nghị Chính phủ cùng Bộ GD&ĐT cho học sinh của địa phương này nghỉ học đến hết tháng 3. Học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 để hoàn thành chương trình học tập. Học sinh có thể nghỉ hè từ tháng 8. Năm học mới bắt đầu từ tháng 9/2020.

Nhiều địa phương khác cũng cho học sinh nghỉ tiếp là Đồng Nai, Thanh Hóa, Hưng Yên...

30 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2, gồm: Hà Tĩnh, Hà Nam, Sóc Trăng, Tây Ninh, Đắk Nông, Hậu Giang, Bình Phước, Sơn La, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đà Nẵng, Cần thơ, Yên Bái, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đồng Nai, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Nam Định, Cao Bằng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hưng Yên, An Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Điện Biên, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế.

Theo VTC

Các tin cũ hơn