|
Trong vài tuần sau khi Vũ Hán ban hành lệnh phong tỏa thành phố hôm 23/1, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc Đại lục đã điều động nhiều nhóm y bác sĩ đến hỗ trợ cho "tâm dịch" này, nhằm giảm nhẹ sức ép đối với hệ thống y tế Vũ Hán cả về nhân lực và vật tư.
Bác sĩ Huang Xiaobo đi làm như bình thường tại Đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) của Bệnh viện nhân dân tỉnh Tứ Xuyên ở thành phố Thành Đô. Nhưng vào ngày Mùng 1 Tết Âm lịch, 25/1, ông được giao nhiệm vụ Phó giám đốc một đội ngũ y tế gồm 30 người chi viện cho Vũ Hán.
Huang chứng kiến cảnh tượng gần như hỗn loạn khi nhóm của ông đến Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán. Bệnh nhân và người thân có mặt ở khắp các phòng bệnh và cả hành lang. Đội ngũ y tế - mà nhiều người trong số họ cũng bị lây nhiễm Covid-19 - phải chật vật để hỗ trợ người bệnh, đồng thời ứng phó tình trạng thiếu hụt vật tư nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn với trang Tài Tân (Caixin, Trung Quốc), Huang mô tả lại hành trình nhóm của ông giúp khôi phục bệnh viện từ bờ vực sụp đổ. Câu chuyện được ghi lại ngày 5/2, là điển hình về thách thức mà các nhân viên y tế chống dịch ở tuyến đầu của Trung Quốc phải đối diện.
Trang tiếng Anh Caixin Global đã biên soạn lời kể của bác sĩ Huang Xiaobo, và đăng tải câu chuyện của ông vào tối ngày 14/2.
01. Khung cảnh tuyệt vọng
Ngày hôm qua là 10 ngày kể từ khi tôi dẫn đội chi viện chống dịch tới Vũ Hán, và cũng là ngày đầu tiên tôi có thể nghỉ ngơi một chút từ khi đến đây.
Chúng tôi có mặt ở Vũ Hán vào sáng sớm ngày 26/1 rồi bắt đầu công việc tại Hội Chữ thập đỏ vào buổi chiều. Tôi đã có kinh nghiệm về công tác cứu hộ trước đây trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, làm 87.000 người thiệt mạng. Những ngay cả khi ấy, các bệnh viện cũng không hỗn loạn đến mức như khi tôi bước vào Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ.
Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ là một bệnh viện nhỏ, đội ngũ y bác sĩ tổng cộng khoảng 400 người, với tầm 300 giường bệnh. Hồi tháng trước, chính phủ ra lệnh cho bệnh viện này trở thành một phần trong nhóm cơ sở y tế đầu tiên khám bệnh cho nhóm bệnh nhân sốt cao, và nhóm cơ sở thứ hai được chỉ định điều trị bệnh nhân lây nhiễm virus corona. Như thế nghĩa là bệnh viện phải tiếp nhận đến 800 bệnh nhân bị sốt mỗi ngày, và nói thẳng là họ không thể đáp ứng nổi.
Những người nghi lây nhiễm virus corona bị lẫn lộn với những bệnh nhân sốt thông thường, và khiến toàn bệnh viện [có thể] thành nơi truyền nhiễm. Tại khoa nội trú, chúng tôi thấy tất cả giường bệnh đều có người nằm, trong khi hành lang chật kín người chờ theo dõi bệnh tình. Người ốm và người khỏe mạnh đều ở chung với nhau.
Nhưng vấn đề chính là sự lây nhiễm trong đội ngũ y tế, hơn 30 người đã phải nhập viện, trong khi 30 người khác bị cách ly. Điều này có nghĩa là khoảng 1/6 nhân lực của bệnh viện không thể công tác, và ai cũng lo rằng họ sẽ là người tiếp theo đổ bệnh.
|
Tôi nhận thấy là nếu không có các biện pháp khẩn cấp thì bệnh viện có thể sụp đổ. Cùng ngày (26/1), tôi khuyến cáo giới chức địa phương đóng cửa bộ phận cấp cứu trong ba ngày, trong lúc chúng tôi phân loại nguồn gốc toàn bộ bệnh nhân.
Từ ngày 27/1 đến 30/1, chúng tôi sàng lọc các bệnh nhân bị nhiễm virus corona - một nhiệm vụ phức tạp bởi sự thiếu hụt các bộ dụng cụ xét nghiệm. Chỉ đến lúc tôi trao đổi với một quan chức chính phủ tới làm việc vào ngày 28/1 thì tình hình mới được giải tỏa bớt. Ngày hôm sau, chúng tôi hoàn tất xét nghiệm bước đầu trên hơn 300 bệnh nhân và đưa toàn bộ những người có kết quả dương tính đến tầng 2 để cách ly.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây nhiễm bên trong bệnh viện, chúng tôi tách riêng khu vực cách ly và phần còn lại của cơ sở y tế, kiểm soát chặt người qua lại giữa hai khu vực, và lên kế hoạch lưu trữ và xử lý chất thải y tế. Chúng tôi khử trùng các khu mỗi ngày và lắp đặt máy khử trùng không khí trong hành lang.
Cuối cùng, chúng tôi đơn giản hóa quy trình xử lý thi thể của người bệnh qua đời. Thông thường, bệnh viện yêu cầu bác sĩ kiểm tra nhịp tim trước khi xác nhận bệnh nhân đã mất. Chúng tôi tạm thời ngưng yêu cầu này bởi những thi thể vẫn có thể mang virus. Đến nay, chúng tôi dựa vào đánh giá của chính bác sĩ để xác định bệnh nhân tử vong.
Tại thời điểm này, thân nhân của người đã mất chỉ cần xuất trình giầy tờ tùy thân để chứng tử. Khi giấy chứng tử được ban hành, chúng tôi tiến hành khử trùng toàn bộ thi thể trước khi cho phép đưa khỏi bệnh viện. Có đôi khi, những người phụ trách [từ nhà tang lễ] quá bận nên thi thể phải nằm lại giường bệnh vài giờ, trước khi có người đến xử lý.
02.Sự thiếu hụt vật tư
Trong hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân bị ốm nặng, công việc chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy khổ sở như khoảng thời gian tại Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán.
Vai trò của tôi ở đây bao gồm tái điều phối ICU của bệnh viện. Khi nhóm của tôi mới đến, khoảng hơn chục nhân viên ICU đã bị vắt kiệt sức. Một trong bốn bác sĩ bị xác nhận nhiễm virus corona, hai trường hợp được phát hiện ở nhóm y tá, và hai hay ba trường hợp ở nhóm khác.
Chúng tôi đóng cửa bộ phận ICU cũ và cho sáp nhập với khoa hô hấp ở bên cạnh, mở rộng số giường bệnh từ 9 lên 18. Chúng tôi bắt đầu đón bệnh nhân trở lại từ ngày 30/1, và đến ngày thứ hai thì tất cả giường đã kín, chúng tôi phải thêm vào một số giường theo dõi ở hành lang.
Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ còn thiếu nhiều nguồn lực để cứu bệnh nhân trước ngưỡng cửa của tử thần.
Trong vài ngày qua, tôi đã van nài qua điện thoại với nhiều người ở Vũ Hán, cũng như các đồng nghiệp ngành y ở Thành Đô và Trùng Khánh, nhưng không ai có thể cung cấp giúp chúng tôi một máy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Ủy ban Y tế Vũ Hán đã duyệt đơn xin cấp một máy, nhưng đến nay chúng tôi vẫn phải chờ. Đơn giản là vì có ít máy móc quá, nên rất khó để cấp một chiếc cho bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi.
Năm bệnh nhân đã chết từ khi tôi tiếp quản ICU. Ba người trong số đó lẽ ra đã được cứu, hay ít nhất là kéo dài sự sống, nếu như chúng tôi có được chiếc máy ECMO. Tất cả bệnh nhân đều khao khát được sống, họ nắm chặt tay các bác sĩ của chúng tôi và khẩn cầu đừng bỏ rơi họ. Nhưng khi không có được trang thiết bị đúng, thì chúng tôi chỉ đành bất lực nhìn sự sống trôi dần khỏi những bệnh nhân.
Chúng tôi từng cân nhắc chuyển các bệnh nhân nặng sang bệnh viện khác có nguồn lực tốt hơn, song cần phải được Ủy ban Y tế thành phố đồng ý, trong khi thủ tục liên quan rất nhiêu khê và khó khăn. Ngoài ra, những bệnh viện khác cũng thiếu giường bệnh, chưa kể việc chuyển bệnh nhân trong quá trình đặt nội khí quản dễ làm xảy ra các vấn đề. Vậy nên chúng tôi phải tự mình cố gắng hết sức để cứu người bệnh.
Có hai bệnh nhân đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Một người sống, còn người kia đã mất.
Người còn sống là mẹ của một đứa con 11 tuổi. Hàng ngày, khi kiểm tra khu theo dõi, tôi thấy người phụ nữ nằm đó cùng người chồng luôn sát cánh bên cạnh. Tình trạng cô ấy không tốt lắm: Dù còn minh mẫn, nhưng hô hấp của cô ngày càng kém và phải vất vả để lấy oxy. Ngày 30/1, tôi chuyển cô vào ICU.
Người chồng ở bên vợ mình toàn thời gian, động viên cô chiến đấu vì con của họ. Tôi có thể thấy cô ấy đấu tranh mạnh mẽ để được sống. Khi vào ICU, chúng tôi cho cô thở bằng máy không xâm lấn, và mức oxy bắt đầu tăng trở lại. Tình trạng của cô dần ổn định, đến nay thì đã có thể ăn được.
Bệnh nhân qua đời là người đàn ông 62 tuổi. Trong ngày đầu tiên ở ICU, tình trạng của ông không quá tệ: Mức oxy ổn và ông có thể ngồi trên giường. Khi thăm bệnh buổi tối, tôi nói với ông ấy: "Ông đang làm tốt. Hãy chiến đấu."
Nhưng khi trở lại vào sáng hôm sau, tôi thấy mức oxy đã giảm mạnh. Tôi cho bệnh nhân thở bằng máy không xâm lấn nhưng không hiệu quả. Tôi nhận ra rằng ông sẽ không vượt qua được nếu không có máy ECMO. Tôi điên cuồng gọi khắp nơi, hỏi các bệnh viện khác để mượn một máy ECMO. Tôi đã không thành công, và người bệnh qua đời vào sáng hôm qua (4/2).
Vào lúc này, chúng tôi không thể làm được gì nhiều cho những bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng. Chúng tôi chưa biết được những loại thuốc nào có thể ngăn chặn virus, vậy nên chỉ có thể cố gắng kéo dài sự sống cho bệnh nhân và chờ đợi bệnh tình chuyển biến.
Cuối cùng, có những điều mà chủ yếu bệnh nhân phải tự mình vượt qua. Những người lạc quan, giữ vững ý chí sống, trong nhiều trường hợp đã có thể tự kéo mình khỏi những tình huống hiểm nghèo. Nhưng những người không còn tranh đấu thì nhiều khả năng khó vượt qua được.
03. Một công việc kiệt sức
Tôi thường rời khách sạn vào khoảng 7h30 sáng để đến bệnh viện họp trưởng nhóm đầu ngày. Tại đây, tôi nắm thông tin về tình hình mới nhất của bệnh viện và các vấn đề đang có, cũng như đóng góp giải pháp khả dĩ, như cách tôi hay làm tại bệnh viện của mình ở Tứ Xuyên.
Tôi bắt đầu đi thăm khám tại ICU vào khoảng 10h. Phần quan trọng nhất của công việc là phải giữ được tinh thần phấn chấn: Phải khích lệ bệnh nhân không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu để chiến thắng bệnh tật.
Các bệnh nhân của tôi có ý chí sống mạnh mẽ, đặc biệt là những người lớn tuổi - họ sợ cô đơn và cái chết, và muốn có bạn đồng hành. Một nam bệnh nhân lớn tuổi tại giường số 13 vẫn bình thường khi có bác sĩ hay y tá bên cạnh, nhưng khi nhân viên y tế ra ngoài thì ông bắt đầu phàn nàn và đòi họ phải trở lại.
Tôi thường rời bệnh viện lúc 19h, nhưng về đến khách sạn thì vẫn còn cả núi công việc. Là người lãnh đạo số 2 trong nhóm y tế Tứ Xuyên, tôi phải tham gia các cuộc họp của ban điều hành.
Tôi cũng thường nhận cuộc gọi từ những bác sĩ trẻ cảm thấy mệt mỏi và muốn tâm sự. Mới đây tôi nhận điện của một bác sĩ và một y tá, cả hai đều khóc vì bệnh nhân qua đời do virus. Họ tự vấn là đã làm tất cả để cứu người bệnh chưa, hay liệu họ đã mắc sai sót gì.
Tôi chỉ có thể nói với họ rằng những điều kiện đang có chính là hiện trạng, và chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài cố gắng mọi điều có thể để hỗ trợ. Trong vai trò bác sĩ, đó là nghĩa vụ lớn nhất của chúng tôi.
Theo Tri Thức Trẻ