Buổi chiều tháng 2, chúng tôi có dịp gặp lại cựu phóng viên chiến trường Thu Hoài (TTXVN), tác giả của bức ảnh nổi tiếng “Lớp học sau khi địch rút chạy”. Bức ảnh ghi lại hình ảnh lớp học trong ngôi trường ở Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), trong bối cảnh tàn khốc của cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Ngồi trong khu thư viện giữa lòng phố cổ Hà Nội, nhà báo Thu Hoài lật nhẹ từng trang tư liệu, rồi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xúc động xung quanh bức ảnh nổi tiếng lúc tác nghiệp tại tuyến đầu của Tổ quốc, trong những tháng ngày khói lửa của chiến tranh.
Nhà báo Thu Hoài lật nhẹ từng trang tư liệu và kể lại câu chuyện xúc động về bức ảnh “Lớp học sau khi địch rút chạy”. |
Khói lửa chiến tranh bao phủ
Sau 10 ngày không đạt mục tiêu xâm chiếm nước ta từ hướng Lạng Sơn, ngày 27/2/1979, Trung Quốc điều lực lượng dự bị vào hỗ trợ, và tiếp tục nhằm vào thị xã Lạng Sơn. Tuy vậy, các đơn vị chủ lực của quân ta, bao gồm Quân khu 1 và lực lượng vũ trang của Lạng Sơn đánh chặn, giữ vững địa bàn.
Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/1979, cuộc chiến đấu trên mặt trận Lạng Sơn bước sang giai đoạn cam go mới. Trung Quốc huy động thêm bộ binh, pháo binh, xe tăng, mở cuộc tiến công quy mô lớn nhằm đánh chiếm thị xã Lạng Sơn.
Theo nữ cựu phóng viên chiến trường của TTXVN, ngày 4/3/1979, quân chủ lực của ta bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch phản công. Cùng thời điểm này, lực lượng tăng cường của Quân đoàn 1 cũng đã hoàn tất triển khai vị trí chiến đấu trên tuyến Chi Lăng-Đồng Mỏ-Hữu Kiên, phía Nam thị xã Lạng Sơn.
“Giữa lúc các sư đoàn trên mặt trận đang ráo riết chuẩn bị phản công toàn diện, thì trưa ngày 5/3/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Và ngày hôm sau, quân Trung Quốc rút về phía Bắc sông Kỳ Cùng”, nhà báo Thu Hoài kể.
Mặt trận Lạng Sơn tháng 2/1979. |
Gửi con cho chồng, đi bộ lên tiền tuyến
Lúc này, Thu Hoài đang công tác tại ban Giáo dục của TTXVN. Ngay sau khi địch rút, nhận được lệnh của cấp trên, nữ phóng viên nhanh chóng lên khu vực biên giới Lạng Sơn.
“Tình hình lúc đó rất nóng và khẩn cấp. Nhận nhiệm vụ, tôi vội cầm máy ảnh và đồ tác nghiệp lên đường ngay. Tôi đưa con trai chưa đầy 5 tuổi đi cùng, lên đến Việt Yên (Bắc Giang) thì để cháu lại chỗ chồng, là cán bộ giảng dạy tại đây. Sau đó, một mình tôi lặn lội lên Chi Lăng, Lạng Sơn”, nhà báo Thu Hoài nhớ lại.
Từ Bắc Giang, nữ nhà báo di chuyển bằng đường bộ lên điểm hầm ở Đồng Mỏ, rồi tiếp tục đi về khu vực giáp biên giới Lạng Sơn. Vì đường sá bị phá hủy nghiêm trọng, cho nên nữ phóng viên hầu như phải cuốc bộ, đi hàng chục km, trong nhiều giờ mới tới được địa điểm cần đến.
“Cảnh vật xung quanh tiêu điều và đổ nát tan hoang. Đạn pháo của Trung Quốc cày nát mọi thứ. Cây cối bị đốn hạ. Sự sống gần như bị hủy diệt. Chúng tôi rất khó khăn mới kiếm được nước uống và thức ăn cầm cự. Các nguồn nước hầu như bị nhiễm độc. Xác quân địch nằm dưới giếng, hầm hào… ngổn ngang”.
“Sau cả ngày trời lăn lộn tác nghiệp ở Lạng Sơn, vất vả lắm mới xin được một nắm mì để nấu ăn. Tôi đi một mình, nên có lúc cũng hơi lo sợ. Nhưng vì nhiệt huyết tuổi trẻ và đam mê nghề báo, nên vẫn cứ xông lên”, nữ nhà báo hồi tưởng.
Khi lên đến nơi, vì lúc này chính quyền địa phương đang bận trăm công nghìn việc nhằm khôi phục lại đời sống xã hội, khắc phục cơ sở vật chất sau khi quân Trung Quốc rút chạy nên nhà báo Thu Hoài phải tự tìm đến các điểm trường, các vị trí từng diễn ra chiến sự.
‘Ánh ban mai giữa miền khói súng’
Thật bất ngờ, họ bắt gặp hình ảnh các em học sinh lớp 7 đang học bài giữa khung cảnh đổ nát của ngôi trường bị đạn pháo Trung Quốc nã vào trước đó
Bức ảnh nổi tiếng "Lớp học sau khi địch rút chạy" của nhà báo Thu Hoài. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
“Giữa khung cảnh tan hoang sau khi địch rút chạy, chúng tôi tìm thấy ánh ban mai giữa miền khói súng. Hình ảnh hơn 20 em học sinh lớp 7 của trường Trung học Chi Lăng ngồi bình thản nghe cô giáo giảng bài khiến tôi rất xúc động và trào nước mắt. Khuôn mặt các em lúc đó thật hồn nhiên và tươi trẻ.
Cả lớp ngồi trong căn phòng nhỏ. 8 bộ bàn ghế dài, nhuộm màu cáu bẩn, được đặt ngay ngắn. Ngay bên cạnh là bức tường vỡ toang mảng lớn, do pháo địch bắn vào. Những vết nứt của bức tường đổ vào bên trong, mảng vôi vữa lớn bong ra, trông rất thảm hại. Ấy vậy mà lũ trẻ vẫn chăm chú học bài’, nhà báo Thu Hoài nhớ lại.
Cô giáo làng tên là Lan, mặc chiếc áo màu trắng, cầm viên phấn nhỏ viết lên bảng bài tập làm văn về tình yêu quê hương, đất nước. Lũ học trò mải mê nghe giảng và viết bài.
Trong lời giảng của cô Lan có hình ảnh đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh vệ quốc đầy cam go. Rồi cô giáo nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn. Nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
“Khoảng khắc chụp được bức ảnh này, tôi quá đỗi vui sướng và hạnh phúc. Tôi thấy ánh bình minh đang xuất hiện và những chồi non nảy nở trên những thân cây già, nằm trơ trọi trong ngôi trường bị bom đạn quân xâm lược cày xé. Cảm giác lúc này lạ kỳ lắm!”, nhà báo Thu Hoài nói.
Lúc đó, một phóng viên quay phim của hãng thông tấn AFP cũng có mặt. Nữ phóng viên liền giải thích và hướng dẫn họ quay lại những thước phim lịch sử này. Phóng viên AFP cũng tỏ ra bất ngờ, vì giữa quang cảnh đổ nát, tan hoang của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, học sinh Việt Nam vẫn ngồi học, không sợ hãi, gương mặt còn toát lên vẻ tươi vui.
Xung quanh ngôi trường, người ta đào nhiều hầm trú ẩn cho học sinh và cán bộ giáo viên. Cho nên, ngoài giờ lên lớp, thầy cô và các lớp học sinh của trường còn tích cực thu dọn trường lớp.
“Nhiều đường hào, hầm trú ẩn cũng được xây dựng, đề phòng trường hợp đạn pháo của quân Trung Quốc có thể tiếp tục bắn phá. Tôi cũng chụp được một bức ảnh ghi lại công việc đào hầm của một lớp học sinh cấp 2”, nữ nhà báo TTXVN kể.
Bức ảnh về hoạt động đào hầm trú ẩn ngoài giờ lên lớp của nhà báo Thu Hoài. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đoạt giải thưởng quốc tế
Sau khi chụp xong bức ảnh về lớp học ở trường trung học Chi Lăng, nữ phóng viên chiến trường Thu Hoài lại tiếp tục đi đến các địa điểm tuyến đầu khác ở Lạng Sơn để ghi lại cuộc sống và tình hình biên giới sau khi quân địch rút chạy.
Sau 3 ngày ở địa đầu biên giới, Thu Hoài tức tốc quay về Hà Nội để kịp thời đưa tin.
“Đường đi lên lấy tin đầy gian nan, nguy hiểm, còn lúc về lại cũng không ít khó khăn. Tôi tiếp tục đi bộ hàng chục km về xuôi. Băng qua nhiều quãng đường rừng, may mắn là gặp được chiếc xe tải chở quân đang hướng về Hà Nội. Họ đưa tôi về tận cổng cơ quan”.
“Ngày hôm sau, trên tất cả các báo lớn trong nước như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới… đều đăng tải bức ảnh “Lớp học sau khi địch rút chạy”. Tất cả độc giả trong cả nước đều bất ngờ, vì trong chiến tranh lửa đạn, các em học sinh vẫn thản nhiên học bài. Điều đó cho thấy sức mạnh, ý chí và tinh thần anh dũng của quân dân ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Không ít người hoài nghi vì cho rằng, chẳng có ai dám học tại khu vực đầy bom đạn kẻ thù như này. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, làm sao lớp học có thể diễn ra thản nhiên thế? Tuy nhiên, đó chính là thực tế”, nhà báo Thu Hoài kể lại.
Theo lời kể của nữ tác giả, bức ảnh ấn tượng sau đó được cơ quan gửi đi tham dự các giải báo chí trong và ngoài nước. Bản thân tác giả ban đầu cũng không biết điều này. Chỉ khi có thông báo là bức ảnh “Lớp học sau khi địch rút chạy” đạt giải thưởng của Hội Nhà báo Quốc tế (OIJ), thì nữ nhà báo mới biết.
Nhà báo Thu Hoài nhận giải thưởng của Hội Nhà báo Quốc tế (OIJ) ở Đại sứ quán Mông Cổ tại Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Bức ảnh đặc biệt cũng giúp nhà báo Thu Hoài giành nhiều giải thưởng của TTXVN, Hội Nhà báo Việt Nam. Và, năm 1981, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam kết nạp tác giả bức ảnh thành hội viên chính thức. Đây được xem là phần thưởng xứng đáng cho ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn, gian khổ của nữ nhà báo trong quá trình tác nghiệp ở vùng chiến địa ác liệt Lạng Sơn thời kỳ chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược.
Giờ đây, mái tóc đã đượm màu sương gió, nhưng, ký ức về chuyến tác nghiệp ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí người nữ phóng viên chiến trường năm nào.
Bức ảnh “Lớp học sau khi địch rút chạy” được xem là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh ý chí, tinh thần quả cảm và Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.
Đó là ánh ban mai giữa miền khói súng, là chồi non mọc lên giữa đống tro tàn của cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Theo VTC