Trang và chồng, cùng là sinh viên năm hai Đại học Keimyung, liên tục cập nhật tin tức về dịch Covid-19 trên trang Facebook cá nhân kể từ ngày 18/2, khi nữ tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa trở thành bệnh nhân thứ 31 nhiễm nCoV ở Hàn Quốc và lây cho hàng chục người khác. Vợ chồng cô thường xuyên đeo khẩu trang, mua đồ ăn tích trữ, hạn chế ra ngoài để phòng dịch, nhưng không lo lắng nhiều vì "Hàn Quốc thông tin kịp thời, làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn".
Tuy nhiên, khi biết lịch trình di chuyển của "bệnh nhân 31" tại Daegu, số người nhiễm virus tăng lên theo cấp số nhân, Trang bắt đầu sợ hãi. Vào các nhóm trò chuyện của sinh viên Việt Nam ở Daegu, thấy nhiều bạn định bảo lưu việc học, đặt vé về nước, Trang quyết định làm thủ tục bảo lưu một năm, đặt vé máy bay về nước tránh dịch và sinh con.
"Về Việt Nam một năm tức là phải xa chồng một năm. Nhưng nếu ở lại, tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn, em không biết sẽ ra sao. Ông bà không thể sang chăm cháu giúp. Trong khi chồng đang phải nghỉ việc làm thêm do quán ăn đóng cửa phòng dịch, thu nhập giảm, tiền học vẫn phải đóng, chúng em sẽ không thể lo liệu nổi", Trang nói và cho biết sẽ về Việt Nam vào ngày 26/2.
Con đường qua Đại học Keimyung ở thành phố Daegu vắng lặng. |
Trước mong muốn về nước của sinh viên nước ngoài, ngày 21/2, Văn phòng hợp tác quốc tế của Đại học Keimyung thông báo sinh viên hệ đại học muốn bảo lưu có thể liên hệ với văn phòng để làm thủ tục. Trong 15 ngày kể từ ngày đăng ký bảo lưu, sinh viên phải trở về nước. Sinh viên học tiếng (hệ một năm) không thể bảo lưu, nếu có nguyện vọng dừng việc học, trường sẽ hỗ trợ thủ tục cho thôi học. Nếu muốn đi học lại, sinh viên phải đăng ký thủ tục visa mới.
Mới học tiếng tại Đại học Keimyung được 6 tháng, Nguyễn Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Phú Thọ) không thể bảo lưu kết quả học tập để về nước. "Nếu giờ về Việt Nam rồi không quay lại được, số tiền hơn 200 triệu đồng đã nộp coi như bỏ. Về mà bị cách ly 14 ngày, khi sang không kịp khai giảng vào ngày 16/3, bị coi là bỏ học thì cũng dở. Ở lại, dịch diễn biến xấu thì cũng lo", Ngọc lo lắng nói.
Hiện, Ngọc và bạn cùng phòng tự phòng chống dịch bằng cách tích trữ đồ ăn thiết yếu như gạo, rau, trứng, mì tôm cho một tuần, cập nhật thông tin, đeo khẩu trang, rửa tay, uống vitamin thường xuyên. Với tình hình dịch ngày một phức tạp, chỉ cần trường bảo lãnh cho sinh viên học tiếng có thể quay trở lại học tiếp, Ngọc sẽ đặt vé máy bay về nước.
Cách Daegu, tâm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc khoảng 70 km, Nguyễn Quang Huy, 21 tuổi, quê Hà Nội, sinh viên năm hai Đại học Ui Deok (thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang) cũng đang tính chuyện về nước dù mới trở lại Hàn sau khi ăn Tết ở Việt Nam. Mở điện thoại chuyển ứng dụng sang chế độ định vị, thấy nhiều người nhiễm gần nơi mình sống, thậm chí một người đàn ông 40 tuổi tử vong ở cùng thành phố, Huy thêm bất an.
"Kỳ học mùa xuân bắt đầu vào tháng 3, nhưng em sang từ đầu tháng 2 vì phải làm thủ tục gia hạn visa, đề phòng lệnh hạn chế đi lại khi tình hình dịch ở Việt Nam và Hàn Quốc phức tạp", Huy nói. Do số ca nhiễm nCoV liên tục tăng, Bộ Giáo dục lùi kỳ học mùa xuân đến ngày 9/3. Quán nhậu nơi Huy làm thêm đóng cửa hai tuần, từ ngày 24/2 do lượng khách chỉ còn 1/5 so với ngày thường. Điều này đồng nghĩa Huy "vừa thất học, vừa thất nghiệp" trong hai tuần tới.
Trên các nhóm du học sinh, nhiều sinh viên nhờ đặt vé về nước, riêng Huy vẫn lấn cấn dù muốn về. Lý do là Đại học Ui Deok thông báo nếu du học sinh về nước mà có lệnh phong tỏa hoặc khi trở lại có vấn đề về nhập cảnh, phải vào khu cách ly, trường hoàn toàn không hỗ trợ và chịu trách nhiệm.
"Nếu tình hình tệ hơn, trường bảo lãnh để sinh viên có thể quay lại học tập dễ dàng, em sẽ về Việt Nam", Huy nói.
Đến sáng 24/2, Hàn Quốc ghi nhận 763 người nhiễm nCoV, 7 ca tử vong, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Trong số 161 ca nhiễm mới hôm nay, có tới 129 ca liên quan đến nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu - thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với 2,5 triệu dân.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Bắc Gyeongsang là 18.502 người, trong đó có 333 người tại quận Cheongdo. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết đến nay chưa phát hiện trường hợp người Việt nào nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV ở các địa phương trên.
Theo VNE