Phát ngôn của WHO trong một tháng dịch Covid-19

Thứ hai, 24/02/2020, 11:21
WHO ban đầu xem Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc", một tuần sau thành "tình trạng khẩn cấp toàn cầu", nay "cơ hội khống chế hẹp lại".

Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tháng 12/2019, hiện lan rộng ra 31 tỉnh thành Trung Quốc cùng gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy đang là 3 điểm nóng bùng phát dịch ngoài Trung Quốc. Ngoài diễn biến của dịch với số người nhiễm virus và số ca tử vong hàng ngày, những phát ngôn của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng.

Ngày 23/1, ông Tedros tuyên bố dịch viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng không phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu". Khi ấy ông cho rằng vẫn "quá sớm" để coi đây là "tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế".

Ngay lập tức, tuyên bố này vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Nhiều người cho rằng WHO đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của virus corona chủng mới, khi số người mắc bệnh và tử vong đã tăng gấp 10 lần chỉ trong 5 ngày. Hơn 350.000 người khắp thế giới đã ký vào bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức Tổng Giám đốc WHO.

Ngày 31/1, Tedros đại diện WHO tuyên bố viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu". Ông nhấn mạnh tuyên bố nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng ứng phó, đồng thời hoan nghênh Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch. Thời điểm này, Trung Quốc công bố có gần 10.000 người nghi nhiễm và hơn 200 người tử vong do viêm phổi.

Tuy nhiên, khi ấy Tedros vẫn khuyến cáo không cần hạn chế du lịch hoặc thương mại quốc tế để phòng ngừa viêm phổi. Ông nói: "Chúng ta chỉ có thể chặn đứng dịch bệnh nếu cùng hợp tác. Không có lý do để ra lệnh cấm đi lại và giao thương quốc tế". Ông cũng khẳng định "còn quá sớm để kết luận dịch viêm phổi đã đạt đỉnh hay chưa".

Những tuyên bố của WHO được giới quan sát đánh giá là chủ yếu mang tính chính trị, nhằm phát tín hiệu hối thúc chính phủ các nước chuẩn bị "nghiêm túc" chống đại dịch và nhắc nhở về những cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới. Một số chuyên gia lo ngại Ủy ban Khẩn cấp của WHO chịu ảnh hưởng chính trị, thay vì "tập trung đánh giá các bằng chứng khoa học".

Trong cuộc họp ngày 12/2, Tedros tuyên bố bệnh viêm phổi do virus corona trở thành "mối đe dọa nghiêm trọng" đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc tìm thuốc và vaccine. Cuộc họp có 400 nhà nghiên cứu và giới chức y tế của nhiều nước tham gia, trong đó có những người tham dự trực tuyến từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Cùng ngày, WHO công bố tên chính thức của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra là "Covid-19".

Tổng Giám đốc WHO phát biểu trong cuộc họp ngày 21/2. (Ảnh: WHO)

Ngày 22/2, WHO cảnh báo cơ hội khống chế sự lây nhiễm của virus corona đang dần hẹp lại bởi sự gia tăng ca bệnh ngoài Trung Quốc. Trước đó Tedros từng nhận định số trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc còn thấp là "cơ hội hiếm có" để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu. Nguyên nhân là một tuần qua, số ca nhiễm mới gia tăng đột biến ở khắp Trung Đông và Hàn Quốc.

Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng nếu các quốc gia không huy động mọi nguồn lực khống chế sự lây lan của virus, "sự bùng phát có thể đi theo bất cứ chiều hướng nào".WHO cũng kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc công tác dập dịch.

Phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO sẽ đến ổ dịch Vũ Hán. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã làm việc tại Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Quảng Đông.

Phái đoàn gồm 12 chuyên gia từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc... đã hợp tác với những đồng nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu về nCoV, bao gồm tốc độ lây truyền và cách điều trị hiệu quả nhất.

Theo VNE

Các tin cũ hơn