Trần Thị Thúy An dùng lưỡi xỏ chỉ qua lỗ kim.
Tuổi thơ bất hạnh
Trong căn nhà tôn nhỏ mới được sửa chữa lại, có một bà mẹ già và cô gái tật nguyền lúc lắc cái đầu to gần bằng nửa thân mình. Đó chính là Trần Thị Thúy An, sinh năm 1985, con ông Trần Văn Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kim Tuôi, một gia đình nghèo ở ấp Lân Thạnh, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Thoạt nhìn chúng tôi cứ ngỡ An đang thè lưỡi liếm vào cái remote điều khiển ti vi cho đỡ buồn. Nhưng quan sát mới biết An đang chơi trò chơi điện tử bằng miệng.
Mẹ Thúy An kể: “Gia đình tôi có năm đứa con, các anh chị của An đều lành lặn, chỉ có Thúy An phải mang tật nguyền. Khi sinh ra Thúy An vẫn lớn và đi đứng bình thường. Bé An vẫn chạy nhảy khắp nơi, vẫn hay sang nhà cậu mỗi khi bên ấy phát ra tiếng nhạc từ các chương trình trên ti vi. Thế nhưng, lên bảy tuổi, tự nhiên cơ thể của Thúy An teo nhỏ lại, xương trên cơ thể dường như có biểu hiện teo tóp. Lúc đầu bé chỉ cảm thấy mệt và không muốn đi lại, lâu dần cô không còn ngồi được nữa. Các xương tay xương chân dường như đã tan biến và hòa chung vào da vào thịt của em. Cơ thể Thúy An bây giờ chẳng khác nào một con gấu bông ướt sũng nước. Từ đó đến nay, Thúy An chỉ có thể nằm một chỗ, tứ chi và hầu hết các bộ phận trên cơ thể cô đều không cử động được”.
Toàn thân Thúy An cứ như cọng bún, các khớp xương tay, chân như rời ra nên không cử động được. Chỉ còn có cái đầu là ngúc ngoắc được chút ít. Mắt và miệng Thúy An còn vận động được nên muốn làm gì An cũng đều dùng miệng. Hễ ai chạm vào người Thúy An thì thịt em cứ giật lên, run lẩy bẩy. Mẹ Thúy An nói, bác sĩ cho biết An mắc chứng bệnh còi xương. Cái nghèo càng quấn lấy gia đình An khi lúc nào cũng phải dành hẳn một người để chăm sóc cho An.
Thương đứa con gái tật nguyền, bất hạnh, bà Nguyễn Thị Kim Tuôi thường ngồi lặng lẽ khóc một mình. Mỗi lần nhìn Thúy An bị các cơn đau hành hạ, lòng người mẹ đau như bị nghìn mũi kim đâm vào da thịt. Những lúc như vậy, bà Tuôi cũng không biết phải làm sao mà chỉ biết nhẹ nhàng đến bên con vỗ về khe khẽ. Trước đây bà Tuôi cũng đi làm cỏ mướn cho các gia đình trồng vườn cây ăn trái gần trong xóm. Nhưng từ khi Thúy An phát bệnh nặng thì bà ở hẳn nhà để chăm sóc con. Dẫu làm lụng siêng năng, không dám nghỉ nhưng trong nhà không có lấy một đồng dư để phòng khi hữu sự.
“Mấy lần con An bệnh nặng quá đau nhức hoành hành nên gia đình phải chạy đầu làng cuối xóm mượn nợ, vay ít tiền đưa con đi bệnh viện. Nhưng khổ nổi trong túi không đủ tiền nằm lại bệnh viện nên chỉ khi sau khi được bác sĩ tiêm thuốc giảm đau là phải trốn viện về. Mới đây, khi lên các bệnh viện trên Sài Gòn khám thì các bác sĩ kết luận: Thúy An bị nhiễm chất độc màu da cam, có tiền cũng không thể nào trị khỏi”, bà mẹ ứa nước mắt nghẹn ngào.
Không đầu hàng số phận
Từ ngày mang bệnh hiểm nghèo, Thúy An chỉ nằm bất động một chỗ không di chuyển hay nhúc nhích được. Thế nhưng cô gái 27 cái “xuân xanh” lại có thân hình mềm nhũn và chỉ cao 90cm như một đứa bé chừng tám - chín tuổi này lại tỏ ra hết sức lạc quan. Chỉ trừ khi bị những cơn đau từ căn bệnh lạ quái ác hoành hành là Thúy An phải khóc, phải nhăn mặt, chứ bình thường lúc nào nụ cười cũng thường trực trên môi. Từ khi tay chân bất động, chỉ còn có đôi mắt, cái đầu và cái miệng là không bị “chết” (theo cách nói của Thúy An) nên dù làm bất cứ việc gì An cũng dùng đến cái miệng.
Vậy là trong cái khó, “ló” biệt tài. Cái miệng và lưỡi của Thúy An trở nên hết sức “tài ba” và vô cùng linh hoạt, giúp cô gái làm được nhiều việc khó khăn, tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích. Chẳng hạn như Thúy An có thể dùng lưỡi để xỏ chỉ qua lỗ cây kim may tay nhỏ xíu, điều mà với người bình thường, sáng mắt đôi lúc cũng gặp khó khăn. Hay Thúy An có thể dùng lưỡi xếp hình giấy, hoa văn đủ kiểu vô cùng đẹp mắt.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về biệt tài trên, Thúy An nói: “Em không biết nữa, cũng không luyện tập gì và cũng không nghĩ đó là tài năng thần kỳ gì hết. Em thấy mọi người xung quanh làm gì là em học làm theo. Nhưng người ta lành lặn bình thường thì làm những việc đó bằng tay, còn em chỉ có cái miệng “là còn sống” nên em bắt cái miệng tập làm”.
Bà Tuôi nhớ lại, khoảng năm 2001, trong lúc khâu vá thì bà nội An hết chỉ. Thấy nội loay hoay xỏ mãi sợi chỉ qua lỗ kim không được, An cũng muốn thử nhưng nội không cho vì sợ nguy hiểm. Khi bà ghim cây kim vào chiếc gối của Thúy An đang nằm rồi bỏ đi ra ngoài thì cô bé ngậm lấy kim giấu vào trong miệng rồi mới xin bà cho sợi chỉ... để chơi.
“Chẳng biết làm thế nào mà loay hoay một lúc thì Thúy An xỏ được sợi chỉ qua lỗ kim bé xíu. Khi bà nội trở vào nhà thì đã thấy kim xỏ chỉ được rồi. Bà nội hỏi Thúy An: “Ai đã xỏ kim cho bà?”, thì em chỉ cười cười. Một lúc sau, Thúy An nhận là do mình xỏ nhưng bà nội không thể nào tin. Thấy vậy, Thúy An hỏi mượn bà nội cây kim và xin sợi chỉ để “biểu diễn” xỏ kim bằng miệng thêm một lần cho bà chứng kiến”, mẹ An nói.
Chứng kiến điều kỳ lạ, bà nội của Thúy An ngạc nhiên và vui sướng, rồi gọi nhiều người trong xóm đến xem biệt tài độc đáo của đứa cháu tật nguyền. Bà con hàng xóm cứ cho là bà già lú lẫn, nhưng sau khi tận mắt xem An dùng lưỡi xỏ chỉ qua kim thì ai nấy đều kinh ngạc. Kể từ đó, chuyện cô bé không xương xỏ kim bằng lưỡi cứ lan truyền trên miền sông nước như cổ tích “sọ dừa” trong cổ tích
Dù sống như đời thực vật, nhưng sự nhanh nhẹn và khả năng ứng xử của An bằng cái miệng xem ra chẳng thua kém người lành lặn. An đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Bài biểu diễn đầu tiên, Thúy An kêu mẹ lấy miếng giấy màu đưa cho em ngậm vào miệng. Tôi chăm chú nhìn, môi, lưỡi và răng của Thúy An liên tục mấp máy, đảo, lừa qua, lại. Chỉ thế thôi, chưa đầy hai phút An đã thắt thành công một sản phẩm hình ngôi sao năm cánh, rồi đưa ra đầu môi cho tôi xem.
Tiếp đến, An gấp hình con cò bằng giấy, rồi xỏ chỉ qua những hạt ngọc cườm lỗ nhỏ rứt. Tiết mục thực sự gây sốc cho chúng tôi là việc em xỏ tám sợi chỉ xuyên qua lỗ kim may. Đầu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Tuôi đưa tám sợi chỉ kèm cây kim cho vào miệng con. Thúy An bắt đầu ngộn nghiến và không ngừng “uốn éo” cái miệng. Tất cả các bộ phận trong miệng của Thúy An đều cử động và kết hợp với nhau rất điêu luyện như một “cỗ máy” đặc biệt để hoàn thành tác phẩm kỳ diệu này. Chưa đầy ba phút, từ trong vòm họng Thúy An đưa đẩy cây kim ra, cuốn kim đã có tám sợi chỉ được xuyên ngang cái lỗ.
Thúy An giải thích: “Khi đưa chỉ vào miệng thì em cho răng nghiền đầu tám sợi chỉ dính chặt lại thành một, rồi lừa qua, đảo lại nhiều lần để phần đầu tám sợi chỉ nằm lên đầu lưỡi. Cây kim cho nằm ngang cửa miệng, rồi dùng hai môi giữ chặt kim. Thế là từ trong cuống họng lưỡi đẩy đầu sợi chỉ ra ngoài, nơi có lỗ kim giữ chặt. Rồi em cứ nâng lưỡi từ trong ra là chỉ được xỏ vào lỗ kim một cách gọn gàng. Khi đầu sợi chỉ được xuyên qua lỗ kim thì chỉ nhú lên chạm vào môi nên Thúy An biết ngay là chỉ đã được xỏ xong. Rồi An tiếp tục dùng lưỡi kéo đầu chỉ xỏ qua cho dài hơn để không bị tuột trở lại. Thế là xong một tác phẩm xuyên chỉ qua kim”.
Ban đầu, An dùng lưỡi để chuyển kênh truyền hình trên chiếc remote điều khiển tivi, dùng lưỡi để xỏ kim và bây giờ chị dùng lưỡi để sáng tạo nghệ thuật. Theo Thúy An thì nằm mãi thấy buồn, khi thấy mấy đứa cháu đi học về tập gấp hạc, gấy ngôi sao, gấp máy bay, tàu thủy bằng giấy, em đã hết sức chăm chú học hỏi để tự làm theo. “Có lẽ trời thương nó bạc số bị tật nguyền nên ban cho khả năng kỳ lạ với cái lưỡi “thần kỳ” để con bé còn có niềm vui, nghị lực để sống”, ba Tuôi trải lòng với chúng tôi.
Theo Nhandan