Khổ vì nhà chồng

Thứ sáu, 23/03/2012, 15:44
Ông bà ta thường nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” và điều này vẫn còn đúng trong thời đại hiện nay.

Mới sáng đầu tuần mà Ngọc Trâm, chị bạn đồng nghiệp của tôi, mặt mày đã chù ụ. Gặng hỏi mãi, chị mới chịu thổ lộ: “Bực không chịu được! Hôm qua đi làm về lại thấy tủ quần áo bị lục tung. Lọ nước hoa và hộp phấn trang điểm mới mua cũng biến mất. Biết ngay là nhỏ em chồng của mình. Ghét nhất là mượn của người ta mà không thèm hỏi một tiếng”. 

Đồ đạc không cánh mà bay
 
Ngọc Trâm kể: Ngày mới về nhà chồng, thấy đồ đạc trong phòng mình bị xáo trộn, chị hốt hoảng la lên: “Nhà mình có trộm mẹ ơi”. Mẹ chồng của chị cũng lo lắng hỏi: “Có mất gì không con?”. Nhưng ngay sau đó, khi biết con dâu bị mất chiếc váy dạ hội, mẹ chồng chị giả lả: “Chắc con Thanh mượn đó mà”. Thanh, em chồng của Ngọc Trâm, còn đi học nhưng lại thích chưng diện; đặc biệt là thích mượn quần áo, giày dép, túi xách của chị dâu để “làm lé mắt mấy đứa bạn”.
 
“Giận nhất là khi nói chuyện với Thanh, cô bé còn vùng vằng, trong khi mẹ chồng mình đã không rầy con lại còn bênh vực” - Ngọc Trâm tâm sự. Nghe chị kể, mọi người xúm lại “xúi” chị khóa cửa phòng lại khi đi làm cho chắc ăn, Ngọc Trâm lắc đầu: “Mình đã làm thử rồi nhưng mỗi lần như vậy, cô em chồng lại nói xa nói gần rất khó chịu. Mà có phải mình ích kỷ đến độ không cho mượn đâu, chỉ cần nói với mình một tiếng…”.
 
Em chồng ở lì nhà mình
 
Dù cô em chồng đã yên bề gia thất nhưng chị Mỹ Dung, ở phường Phú Hữu, quận 9 - TPHCM, cũng không yên thân. Vợ chồng Loan, em chồng chị Dung, mua mảnh đất xây nhà gần nhà chị. Chồng Loan làm hướng dẫn viên du lịch nên thường xuyên vắng nhà. Vì chưa con cái, hai nhà lại gần nhau nên Loan hầu như ăn ở nhà anh chị mà chẳng nhắc đến chuyện đóng góp.
 
Chị Dung kể: “Có lần tôi đem chuyện góp tiền để tôi đi chợ, nấu cơm cho cô ấy cùng ăn với gia đình thì Loan vâng dạ rồi không thấy sang ăn nữa. Tưởng vậy thôi, nào ngờ, cô ấy lại chuyển sang lén lút, vụng trộm. Đợi khi tôi đi vắng, chỉ có mấy đứa nhỏ ở nhà là cô ấy lại sang lục lọi tủ lạnh, tủ chén... Mà có phải cô ấy nghèo khổ gì cho cam, làm công ty nước ngoài, lương tháng hơn chục triệu đồng”.
 
Chị Dung nói không phải mình nhỏ mọn, chi li với em chồng nhưng nhà có bao nhiêu người, phải tính toán nấu nướng thế nào cho vừa đủ, không thừa thãi, để qua hôm sau sẽ mất ngon. “Có thêm người mà không báo trước, tôi với ông xã phải nhịn miệng nhường khách. Với lại, lâu lâu ghé ăn một lần thì không sao, chứ ghé hoài thì mình cũng bực. Ông xã không hiểu lại nói mình làm chị mà không biết thương em út”- chị Dung ấm ức.
 


 

Mẹ chồng thứ hai
Ngày quen anh Quốc Dũng, chị Mỹ Liên (ở quận Thủ Đức - TPHCM) cũng ái ngại khi biết anh còn một người chị hơn 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng nhưng vì yêu anh, chị tin mình có thể chinh phục được người chị chồng khó tính ấy. Nhưng mọi việc không đơn giản. Mẹ chồng dễ tính, cảm thông bao nhiêu thì chị chồng lại xét nét, khó khăn bấy nhiêu. Ngày đầu tiên về nhà chồng, mệt nhoài nên vợ chồng chị ngủ đến 7 giờ mới thức.

 
Trong khi mẹ chồng chị bảo: “Cứ để cho tụi nó ngủ, hôm qua khách khứa tới khuya” nhưng chị chồng lại cự nự: “Mẹ cứ dễ dãi riết rồi nó được nước làm tới cho xem, con dâu mới về gì mà ngủ đến trưa trờ, trưa trật. Nhà cửa bếp núc không dọn dẹp”.
 
Mỗi khi chị Liên nấu nướng hay rửa chén bát, chị chồng của chị đều đứng sau lưng quan sát: “Em phải làm cho cẩn thận, sạch sẽ. Có chồng rồi chứ có phải ở nhà mình đâu mà làm việc gì cũng sơ sài như vậy”. Chị Liên tâm sự: “Tôi cảm thấy mình có đến hai bà mẹ chồng. Tôi chỉ mong có người rước chị ấy đi để được dễ thở”.

Sưu tầm

 

Các tin cũ hơn