BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh, trưởng khoa dịch vụ 1, bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM: Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà... nhất là khi bệnh nhân hắt hơi, nói chuyện. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, nhất là nhóm dưới ba tuổi. Biểu hiện chính là tổn thương da – niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời… Phụ huynh không nên hoảng hốt khi được bác sĩ chẩn đoán con bị tay chân miệng, bởi đa số tiên lượng tốt và chủ yếu được điều trị tại nhà.
Các biện pháp phòng ngừa: vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi; cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi cầu; cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp có trẻ nghi ngờ bị bệnh; cho trẻ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi, chơi đùa hợp lý.
Theo sgtt.vn