Ohshiro Atsuko đang chăm sóc bệnh nhân
Tình nguyện vì cuộc sống tươi đẹp
Ohshiro Atsuko hiện là TNV duy nhất của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang làm việc tại Khoa HS-CC - Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Cách đây một năm, lần đầu tiên tôi gặp Ohshiro Atsuko khi vào bệnh viện thăm một người bạn. Ban đầu, sự xuất hiện của một TNV người nước ngoài tại Khoa HS-CC đã gây nhiều bở ngỡ cho đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân nơi đây, nhưng bây giờ thì chị đã trở thành một thành viên của Khoa.
Bác sỹ Nguyễn Đức Lư, Trưởng Khoa HS-CC nói: “Ohshiro Atsuko là một TNV nhưng bây giờ tham gia mọi sinh hoạt và làm việc tại Khoa như một thành viên chính thức, được mọi người yêu quý. Cô ấy làm việc tốt, cần mẫn, tâm huyết và rất có trách nhiệm với người bệnh”.
Sáng sớm tại Khoa HS-CC với hàng chục bệnh nhân nặng, lẫn trong màu áo blouse trắng của các y bác sỹ cùng làm việc, Ohshiro Atsuko với vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thoăn thoắt làm việc không ngơi nghỉ.
Phong thái tự tin, nụ cười thân thiện luôn hiện hữu trên môi đã làm giảm bớt không khí bức bối, căng thẳng của bệnh nhân và người nhà. Vượt qua kỳ thi đầy khó khăn của tổ chức JICA, chị đã vượt qua nhiều TNV khác để đạt điểm chuẩn, được học tiếng Việt, chuẩn bị mọi kiến thức cần thiết nhất để tới Đà Nẵng - Việt Nam làm TNV từ ngày 23/3/2011 - 23/3/2013.
Tròn một năm ở Đà Nẵng, cũng là thời gian chị tự mình học thêm nhiều vốn từ tiếng Việt. Ngoài tiếng Anh, đến giờ, chị làm việc rất ăn ý với các y, bác sỹ của Khoa, với vốn từ vựng tiếng Việt phong phú.
Kể về quyết định làm TNV, Ohshiro Atsuko cho biết, chị tham gia Chương trình JOCV từ khi còn là học sinh cấp ba - một trong những hoạt động tình nguyện của tổ chức JICA.
Tốt nghiệp Đại học, chị đã làm việc 7 năm tại một bệnh viện công. Năm 2011, chị đến Việt Nam. “Tôi vẫn tự hỏi, liệu mình làm được gì trong thời gian ngắn 2 năm để góp chút sức mình cho cuộc sống này tươi đẹp hơn? Bây giờ thì tôi hiểu, cuộc sống là sự sẻ chia, cùng hướng đến những mục đích tốt đẹp nhất. Và vốn kinh nghiệm được tích lũy trong thời gian ở đất nước các bạn sẽ là tài sản quý nhất trong hành trang của tôi. Tôi sẽ lại chọn Việt Nam nếu có điều kiện để làm TNV quốc tế, tôi yêu đất nước các bạn vô cùng. Mọi người sống rất thân thiện và dễ mến” - Ohshiro Atsuko nói bằng tiếng Việt.
Tôi yêu Đà Nẵng
Chị sinh ra ở thành phố Okinawa, một quần đảo nằm ở miền Nam Nhật Bản. Thành phố quê hương chị cũng có những nét tương đồng với Đà Nẵng. Mỗi sớm thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, Ohshiro Atsuko lại đạp xe đạp từ trung tâm thành phố Đà Nẵng ra biển Mỹ Khê để ngắm bình minh trên biển, tập thể dục buổi sáng với nhiều người . Và cũng không quên ghi lại những hình ảnh đẹp của biển Đà Nẵng để email về tặng người thân, bạn bè.
Những ngày được nghỉ trực hiếm hoi ở bệnh viện, chị lại một mình đi du lịch bụi lên Bán đảo Sơn Trà, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tự học tiếng Việt qua đồng nghiệp, hàng xóm và tra cứu trên internet. Những nơi đã đi qua, đều được chị ghi lại trong cuốn sổ tay nhỏ và chiếc máy ảnh du lịch. Chị rành món ăn Đà Nẵng với những đặc sản nổi tiếng như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo.
Một ngày làm TNV của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều. Nhưng, những ngày có nhiều bệnh nặng cấp cứu, chị sẵn sàng ở lại trực. Làm TNV, ngoài sức bền, sự nhẫn nhịn, thì một điều không thể thiếu là sự tự tin, nhiệt tình.
Kể về những ngày đầu mới nhận công tác tại Khoa, chị rất sợ phải đối diện với những bệnh nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, hay những ca cấp cứu do tai nạn giao thông…Nhưng rồi theo thời gian, chị quen dần với công việc nặng nhọc, cảm thông với sự lo lắng của người nhà bệnh nhân.
“Lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ nên tôi nói bệnh nhân không hiểu, còn người nhà bệnh nhân thì cứ lắc đầu. Nhưng bây giờ, qua cử chỉ, ánh mắt người bệnh, tôi đã chia sẻ được phần nào với họ. Thật hiếm khi thấy bệnh nhân cười, nhưng khi họ cười, nghĩa là họ được chia sẻ. Bệnh nhân ở đây quá đông mà đội ngũ điều dưỡng, y tá thì quá ít, tôi mong được gánh bớt một phần vất vả, khó khăn với họ”, Ohshiro Atsuko tâm sự.
Hỏi về những kỷ niệm buồn vui, Ohshiro Atsuko chỉ cười. Trong nụ cười ấy chứa đựng một tình cảm chân thành và hơn thế, đó là một sự sẻ chia. Chị đã ít nhớ nhà hơn vì được làm việc và sống trong một thành phố hài hòa, thân thiện. “Buồn nhất là khi một bệnh nhân nào đó không vượt qua được bệnh tật và qua đời”, Ohshiro Atsuko nói thế khi cùng chúng tôi tới giường bệnh của em Lê Thị Tự Phúc Yên ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Em Phúc Yên năm nay 13 tuổi, bị bệnh di chứng não, đã nằm điều trị tại đây hơn 2 năm. Hằng ngày, sau khi giúp nhiều bệnh nhân khác vệ sinh cá nhân, uống thuốc, Ohshiro Atsuko lại dành thời gian tập luyện cơ tay cho bé Yên. Vừa làm việc, chị vừa nói chuyện với Yên bằng tiếng Việt, và chị luôn mỉm cười.
Nụ cười chị làm dịu cơn đau của Yên. Dù Yên không nói được, nhưng bằng ánh mắt biết ơn, tôi biết cả người bệnh và TNV đều dành cho nhau những tình cảm chân thành và niềm sẻ chia vô tận.
Đối với các bệnh nhân, Khoa HS-CC là nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.
Nhưng trong những nỗi lo bất tận ấy của cuộc sống, đôi khi, tinh thần, sự động viên của những người bác sỹ, y tá lại là liều thuốc bổ quý giá nhất đối với họ.
Ohshiro Atsuko, chị ước mơ rằng với thời gian còn lại của một TNV, chị sẽ cố gắng thật nhiều trong công việc để cuộc sống luôn tươi đẹp và tình người luôn là sợi dây kết nối bền vững nhất từ mỗi việc nhỏ hằng ngày.
Theo Nhandan