Hãy thử tưởng tượng bạn phải nghe, nói, đọc, viết, ghi chú, nghiên cứu tài liệu, thảo luận đề tài, giao tiếp… hoàn toàn bằng tiếng Anh ngay khi đặt chân đến giảng đường của các trường ĐH nước ngoài như một người Việt học tại VN thì sự tự tin của bạn có đủ 500/1.000 điểm so với người bản xứ?
Giao tiếp và thảo luận với người nước ngoài là cách tiến bộ nhanh nhất khi học ngoại ngữ
Tăng cường sử dụng tiếng Anh thực tế
Hơn 5.000 trường ĐH, CĐ và nhiều chương trình học bổng trên khắp thế giới hiện đang sử dụng TOEFL như là một tiêu chí tuyển sinh và xét học bổng của mình. Hằng năm có hơn 800.000 người đăng ký tham dự kỳ thi TOEFL quốc tế. |
Nguyễn Thị Vân, sinh viên du học tại Anh từ năm 2009, hiện theo đuổi ngành học mỹ thuật và đang sống tại London chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu chỉ học tiếng Anh ở trường và hoàn thành thủ tục là các chứng chỉ thì bạn chỉ giỏi ngữ pháp và vững các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, khi chạm vào thực tế thì lại là điều khác. Tôi đã phải vừa học ở trường vừa học thêm tiếng Anh bên ngoài trong năm đầu tiên khi đến London. Khi ở Việt Nam tôi thi TOEFL 600 điểm nhưng điều đó thật sự không đủ, nhất là khi tôi học tiếng Anh chỉ trong hai năm và tập trung vào những bí quyết để lấy được chứng chỉ này.”
Nói về nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế, ông Duncan Wilson - Giám đốc Hội đồng Anh tại TP.HCM, chia sẻ: “Các bạn cần nâng cao kỹ năng nghe và nói. Cần rèn luyện kỹ năng nghe từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau như nghe băng, xem phim và tăng cường thời gian giao tiếp, thảo luận với người nước ngoài... Người Việt Nam hay gặp khó khăn về kỹ năng nói, đặc biệt là phát âm. Dù bạn có vốn từ vựng rất phong phú và văn phạm rất chuẩn nhưng nếu phát âm tệ quá thì người nghe chẳng hiểu gì. Khi nói tiếng Anh bạn nên nhấn đúng chỗ và nên nói trọn một từ hơn là từng âm của từ đó. Ngoài ra, theo tôi, bạn cần phải rèn luyện thêm kỹ năng nghĩ bằng tiếng Anh nữa.
Chuẩn bị từ năm lớp 6
Những người giỏi ngoại ngữ thường là những người nhớ lâu và có khả năng bắt chước cao. Một người có khiếu học ngoại ngữ có thể lưu loát cả bốn kỹ năng trong thời gian từ một đến hai năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như thế. Hơn nữa, ngôn ngữ là một công cụ mà bạn càng sử dụng thì càng giỏi.
Đối với người muốn du học, ngoại ngữ là môn cần được đầu tư ngay từ khi học cấp 2. Ở độ tuổi này, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ mới là rất tốt, học sinh rất dễ phát huy các kỹ năng đến được học bài bản. Nhiều phụ huynh còn cho con em học tiếng Anh khi mới vào cấp 1 và chú trọng môn này khi các em học lớp 4, lớp 5.
GS Lê Tự Hỷ (cựu giảng viên toán ĐH Huế, người đầu tư thành công cho con trai trong việc du học là Lê Tự Quốc Thắng, hiện đang giảng dạy toán tại một ĐH Mỹ) từng chia sẻ với sinh viên, học sinh rằng việc học ngoại ngữ để chuẩn bị du học là điều vô cùng cần thiết và cần đầu tư từ rất sớm. Trong khi các trường tại Việt Nam còn có mong muốn giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh như các trường quốc tế để học sinh làm quen với Anh ngữ thực dụng thì không có lý do gì để bạn chậm trễ việc bắt tay vào học ngay. Học ngoại ngữ càng sớm càng có lợi, miễn là không để ảnh hưởng đến các môn học khác. Nếu từ lớp 6 bắt đầu học thì đến lớp 8 bạn có thể hoàn thành các khóa học TOEFL. Năm lớp 9 dành thời gian cho học và thi chuyển cấp, sau đó đầu tư thêm hai năm ở lớp 10 và 11 để thi lấy chứng chỉ TOEFL và nâng cao các kỹ năng chuyên sâu.
Cẩn thận trước “ma trận” trung tâm ngoại ngữ Ngày càng có nhiều trung tâm ngoại ngữ “đẻ” ra các thể loại khóa học tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của người chuẩn bị du học. Phụ huynh học sinh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo hấp dẫn về những khóa học tiếng Anh cấp tốc mang tên “Tiếng Anh du học” như khóa tiếng Anh sáu tháng đảm bảo thi đậu TOEFL, học và thi bằng IELTS 600 điểm trở lên… |
Theo Pháp luật TP