Ngày hội MACARON, nữ hoàng bánh Pháp

Thứ hai, 26/03/2012, 05:42
Sau khi “làm mưa làm gió” tại Tokyo, Hong Kong, Singapore và các thành phố lớn khác ở châu Á, Macaron đã có mặt tại Sài Gòn và bước đầu được giới sành ăn bánh đón nhận.



Thời tuổi trẻ mỗi lần lang thang dạo phố phường Paris hoa lệ, tôi đã không khỏi ngẩn tò te trước những chiếc tháp bánh được gắn kết từ những chiếc bánh nhỏ tròn xoe đủ màu nằm chễm chệ trong những quầy bánh sang trọng. Đó là Macaron – một loại bánh đặc biệt, không chỉ vì hương vị ngọt ngào khó quên mà vì loại bánh này còn được xem là đỉnh cao của các đầu bếp bánh tài hoa.

Vài năm gần đây, Macaron đã có riêng một ngày cho nó – ngày 20 tháng 3 hằng năm được xem là “Ngày hội Macaron” được tổ chức tưng bừng tại Paris, New York và nhiều thành phố lớn khác. Nhân dịp này, ta hãy thử tìm hiểu lại về loại bánh bé nhỏ thú vị này nhé.
 

 


Xuất xứ của Macaron

Là một loại bánh đặc biệt được yêu thích tại Pháp nhưng Macaron lại có xuất xứ từ Ý với tên gọi xuất phát từ tiếng Ý “maccarone” hay “maccherone” (có nghĩa là “nghiền nát bột”). Người Mỹ gọi Macaron là “macaroon”. Theo phỏng đoán, Macaron có thể được đưa từ Ý sang Pháp theo cuộc hôn nhân của một phụ nữ quý tộc Catherine di Medici với vua Henry đệ nhị vào khoảng năm 1533.

Macaron bắt đầu nổi tiếng tại Phápvào năm 1792 khi hai nữ tu từ Ý sang Pháp cư trú đã làm bán để trang trải cuộc sống. Những chiếc Macaron ban đầu này đơn giản chỉ là sự kết hợp của bột hạnh nhân nghiền, lòng trắng trứng và đường, không có nhân bên trong hay hương vị đặc biệt nào khác.

Theo thời gian, cùng với sự sáng tạo tuyệt vời của những nghệ nhân làm bánh người Pháp, Macaron đã trở thành một món bánh tao nhã và được yêu thích trên toàn thế giới. Người Pháp thường dùng Macaron với tách trà nóng để khép lại một bữa tối ngon miệng hay trong những tiệc trà chiều. Macaron dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân là sự pha trộn hài hòa và tinh tế giữa Vị – Sắc – Hương.
 

Thế nào là một viên macaron ngon?

Macaron thật sự là một thách thức ngay cả cho các nhà làm bánh chuyên nghiệp. Người làm Macaron phải chú trọng vào tất cả các công đoạn từ thời tiết bên ngoài, nhiệt độ và độ ẩm trong phòng như thế nào đến khâu quấy bột đánh lòng trắng trứng sao cho bông đều lên, lúc cho bột hạnh nhân và đường vào thật khẽ rồi khuấy đều tay để lòng trắng trứng vẫn giữ được độ xốp và quyện vừa đủ.

Nếu khuấy ít quá, Macaron sẽ không có lớp chân giòn xốp hay phía trên mặt không bằng phẳng và mịn bóng như lụa. Còn nếu khuấy bột quá mạnh tay, Macaron sẽ bị cứng, khô, lớp chân không đều và dễ gãy. Lớp nhân bên trong phải thật mịn màng, mát lạnh, nhẹ tênh, rõ rệt từng hương vị. Bề mặt lớp vỏ bên ngoài phải thật mịn màng, ngọt ngào và giòn tan. Để thưởng thức Macaron ta ngậm bánh, để bánh từ từ tan chảy ra và cảm nhận các hương vị hòa quyện với nhau trong miệng.

Dùng bánh thật chậm rãi, tuyệt đối không nên nhai bánh ngồm ngoàm. Một chiếc bánh Macaron đúng chuẩn sẽ cho ta cảm giác xốp giòn khi mới ngậm vào miệng, rồi bánh từ từ tan ra hòa quyện với lớp nhân tạo ra cảm giác deo dẻo hệt như ta đang ngậm một lớp màng nhung lụa là vậy.

Macaron tại Sài Gòn

Sau khi “làm mưa làm gió” tại Tokyo, Hong Kong, Singapore và các thành phố lớn khác ở châu Á, Macaron đã có mặt tại Sài Gòn và bước đầu được giới sành ăn bánh đón nhận. Với đam mê và quyết tâm chinh phục “nữ hoàng bánh Pháp” đỏng đảnh này, tôi cùng các cộng sự đã không ngừng thử nghiệm tìm tòi để cho ra thêm nhiều hương vị Macarons mới thuần phong vị Việt Nam như mít, sen, sầu riêng, mãng cầu… nhưng vẫn tuân thủ đúng “thế nào là 1 viên macaron ngon.”
 

Theo Thegioif5

Các tin cũ hơn