>>Cách nào phòng tránh bệnh tay chân miệng?
>>Dịch tay chân miệng sẽ tăng mạnh
>>Bệnh tay chân miệng vào đỉnh dịch
>>Hai ca tay chân miệng nặng phải thở máy
>>Dịch tay chân miệng đến sớm, nhiều hơn mọi năm
Phòng khám khoa nhiễm luôn đông bệnh nhân
Tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang diễn biến hết sức phức tạp, không ngừng gia tăng hầu khắp các địa phương. Từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 là 1.357 ca, tử vong hai (An Giang, Trà Vinh).
Chỉ riêng sáng 19-3-2012, tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị tại bệnh viện là 61 ca, trong đó bệnh nhân ở tỉnh là 38 ca (5 ca phải thở máy). Số lượng bệnh nhân tay chân miệng nhập viện tuần qua tại TPHCM tăng nhẹ. Trong số 1.357 ca nhập viện thì số bệnh nhân tỉnh chiếm 810 ca (59,7%), nhiều nhất là An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và Tiền Giang.
Một trong nhiều nguyên nhân khiến các bệnh viện nhi tại TPHCM quá tải trong thời gian qua là do năng lực các cơ sở y tế những địa phương chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Hầu hết bệnh nặng phải chuyển về các bệnh viện nhi tuyến cuối.
Đối với các dịch bệnh mới, do khả năng và nguồn lực điều trị ở tuyến trước còn hạn chế nên không thể tránh khỏi tình trạng người bệnh tập trung về tuyến cuối, trong điều kiện hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi hơn. Khâu chẩn đoán bệnh là rất quan trọng nhưng 14,6% trường hợp chuyển viện trong năm 2011 từ các tuyến chẩn đoán sai, nhầm bệnh tay chân miệng với các bệnh lý như viêm phổi, hen phế quản, sốt nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. 50% ca chuyển viện không an toàn trong tình trạng bệnh nhân sốc nặng, suy hô hấp tím tái... có trường hợp tử vong trên đường chuyển viện.
Việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế cho phép thanh toán trực tiếp tại bệnh viện đối với các trường hợp bảo hiểm y tế khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến càng làm cho số lượng bệnh đến từ các tỉnh tăng thêm. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn của tuyến tỉnh, cần có giải pháp nâng cao uy tín của tuyến này đối với cộng đồng, mới có thể giảm bớt quá tải cho tuyến cuối.
TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng: “Nhi Đồng 1 mang danh nghĩa là bệnh viện của TPHCM nhưng thực tế khám, điều trị trên 50% lượng bệnh nhân khu vực phía nam. Năm 2011, bệnh viện tiếp nhận điều trị trên 10% lượng bệnh nhân tay chân miệng của cả nước”.
Theo ông, để giảm số ca mắc tay chân miệng chuyển viện, đặc biệt là giảm số ca tử vong trước nhập viện, cần khẩn trương thành lập các đơn vị hồi sức tích cực tay chân miệng tại các tỉnh. Cụ thể, các bệnh viện tuyến trên sẽ tổ chức tập huấn hồi sức chuyên sâu bệnh tay chân miệng nặng; tổ chức giám sát hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật sau tập huấn, hội chẩn từ xa.
Với sự nỗ lực hợp tác giữa Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng - Đồng Nai (thực hiện Đề án 1816) theo hướng hình thành một cơ sở vệ tinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng bệnh nhân chuyển về từ Đồng Nai đã giảm đáng kể.
Trong năm 2010, 2011, tổng số trường hợp chuyển tuyến từ Bệnh viện Nhi Đồng - Đồng Nai giảm 1/2 so với năm 2008. Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang hỗ trợ Bệnh viện quận Tân Bình theo hình thức tương tự, để phát huy năng lực điều trị tại khoa nhi.
Theo Công an