>>Cá dò nướng lá chuối lọ lem lọ luốc
>>Trà đá miễn phí giữa Sài Gòn
>>Sài Gòn tình tô bún mắm
Đặc biệt, giống sò huyết Lăng Cô từ lâu đã rất nổi tiếng. Sò Lăng Cô có quanh năm, tuy nhiên theo một ông bạn dân Huế kỳ cựu thì sò ngon nhất là vào tầm từ tháng 4 – 7, mùa biển lặng, khi đó sò thu hoạch rất nhiều.
Có lẽ vì vậy, ở đây từ lâu được du khách biết đến với nghề làm mắm sò. Nếu có lần từng thử mắm sò Lăng Cô, ắt hẳn không ai quên được cái mùi vị độc đáo, thơm dịu và hương vị cay nồng đầu lưỡi.
Cách làm mắm sò thực ra cũng đơn giản. Sò đem về rửa sạch vỏ, lấy mũi dao nhọn cạy miệng, chẻ vỏ. Sò chẻ xong giữ nguyên ruột đem rửa sạch cho sạch cát rồi để ráo. Ớt bột, củ riềng xắt nhuyễn, đậu xanh rang giã mịn và muối hột cho vào thau sò trộn đều.
Sau đó, đổ tất cả vào thẩu đậy thật kín. Khoảng 15 – 20 ngày, con sò nổi lên mặt là mắm sò đã chín. Mắm sò ngon nhất là khi chín, múc ra chén thấy mắm có màu đỏ au, nước đặc sệt và còn nguyên ruột sò. Khi ăn, cho thêm vào các gia vị như tỏi ớt, chút đường cát hoặc bột ngọt, nếu thật sành điệu thì thêm ít đu đủ bào hoặc trái vả xắt nhỏ, khế cùng chuối chát.
Nhiều người cho rằng, đến Lăng Cô mà dậy trễ không ngắm bình minh thì coi như vứt cả chuyến đi. Còn ông bạn tôi thì khẳng định, nếu chưa thử món mắm sò thì coi như chưa biết Lăng Cô là gì. Nói không biết ai trước tiên đã kỳ công nghĩ ra cách chế biến mắm sò, nhưng nếu luận về ngon thì giữa sò Lăng Cô hay sò đầm Ô Loan chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Người bạn chống chế, tuy cũng gọi là mắm sò, song nguyên liệu làm mắm sò thực ra là con sặt, một giống sò sống tự nhiên trên đầm phá Lăng Cô. Con sặt nhỏ hơn sò huyết, chỉ bằng ngón tay cái, nhưng thịt chắc hơn và có mùi thơm đặc trưng. Do vùng đất này có nhiều người dân ở các vùng khác nhau đến sinh sống nên nói trại thành sò, dần dần theo thời gian thành thói quen người ta gọi chung là mắm sò.
Theo Thegioif5