>>Osin cho Tây: Ô tô đẹp, du lịch nước ngoài như cơm bữa
>>Osin biết tiếng Anh thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng
Osin phải “thả con săn sắt bắt con cá rô”
Ôm giấc mộng đổi đời, nhiều phụ nữ Việt chấp nhận bỏ ra, thậm chí đi vay tiền triệu để đầu tư vào dự án giúp mình thành người giúp việc chuyên nghiệp, đáp ứng được các đòi hỏi cơ bản nhất của người nước ngoài hoặc Việt kiều định cư tại Việt Nam.
Đương nhiên, không phải dễ dàng và chớp nhoáng mà họ có thể biến mình từ “vịt” thành “thiên nga” được, nhất là khi các “đại gia” người nước ngoài định cư tại Việt Nam thường chỉ tuyển osin thông qua những người quen thân chứ không tin tưởng vào dịch vụ tại các trung tâm môi giới.
Và cũng không phải ai muốn làm osin cho Tây cũng được. Theo tìm hiểu của PV, người nước ngoài thường chỉ tuyển osin ở độ tuổi từ 20 – 50, có sức khoẻ tốt, đã qua kiểm tra tổng thể. Bên cạnh đó còn có 2 yêu cầu “bất khả kháng” là biết ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp) và biết nấu các món ăn ngoại.
Chị Ba (37 tuổi) - một osin hiện đang giúp việc cho một gia đình người nước ngoài ở Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để học tiếng Anh giao tiếp tại một trung tâm uy tín ở Hà Nội trong vòng hơn 2 năm qua. Biết tiếng Anh, nói chuyện được với người ta thì lương của mình mới cao hơn được. Ngoài ra, tôi cũng chi gần chục triệu chỉ để học làm mấy món bánh mà họ ưa thích như pizza, bánh ngọt…”.
“Tôi may mắn là còn trẻ tuổi nên quyết định đầu tư ăn học để hưởng lợi lâu dài, chứ nhiều bà cô cũng làm osin như tôi, học chẳng vào nổi nữa, mà có học xong chắc gì đã còn thuộc độ tuổi người ta yêu cầu nên họ buộc phải chấp nhận mức lương kém hơn hẳn so với chúng tôi”, chị Ba nói thêm.
Những đòi hỏi khắt khe
Ngoài việc học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với gia chủ, học nấu nướng theo phong cách của họ, các osin Việt còn phải học cách sử dụng các thiết bị hiện đại trong gia đình chủ. “Có những nhà đơn giản lắm, thuê nhà có thiết bị nào, họ chỉ sử dụng thiết bị đó mà thôi. Nhưng cũng có những nhà cầu kì, đặt mua thiết bị hiện đại từ nước ngoài gửi về, mà các nút điều khiển toàn bằng tiếng Tây, ấn thì lằng nhằng, nhiều khi tôi nhầm lẫn lung tung cả”, bà Toan (49 tuổi) – một osin ở Mỹ Đình than thở.
Trong khi đó, chị Thơm – osin làm cùng nhà với bà Toan tâm sự: “Có những lần chủ nhà mời hơn 20 người về ăn tiệc một cách bất ngờ khiến chị em chúng tôi trở tay không kịp mặc dù nhà có tới hẳn 4 osin ở các bộ phận khác nhau. Còn bình thường, người nước ngoài họ rất khắt khe về mặt thời gian. Họ yêu cầu chuẩn xác tuyệt đối nên tôi thường phải tới sớm hơn như đã hẹn. Nếu đi làm bị trễ giờ, họ sẽ trừ thẳng vào lương.
Tuỳ nhà, nhưng hầu hết nếu vi phạm quá 3 lần, họ sẽ đuổi việc theo đúng thoả thuận ban đầu. Mà như thế thì nguy cơ mất khoản tiền đầu tư vào việc đi học tiếng là rất cao bởi chúng tôi sẽ bị quên dần quên mòn đi thứ ngoại ngữ mà mình phải chật vật mãi mới học bập bẹ được trong khi chẳng biết đến khi nào mới tìm được mối khác”.
Mặc dù sẵn sàng mạnh tay chi cả chục triệu đồng trả lương cho osin, nhưng nhiều người nước ngoài lại rất khắt khe và chắt bóp trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Ngay từ khi tuyển dụng họ đã yêu cầu ứng viên cho vị trí osin trong gia đình họ phải là người khéo quản lý chi tiêu, khéo tính toán.
Bất chấp đồ trong siêu thị đắt hơn so với ở ngoài chợ, hầu hết người nước ngoài vẫn yêu cầu osin mua hàng tại các siêu thị uy tín, sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác để đảm bảo an toàn, và cũng là để họ tiện bề kiểm soát chi tiêu. Không chỉ thế, nhiều ông bà chủ khó tính còn luôn soi xét, bắt lỗi để phạt osin (trừ vào lương hoặc không có thưởng vào những dịp đặc biệt).
Nghề giúp việc chuyên nghiệp đòi hỏi tâm lý của người chuyên nghiệp
Phải thừa nhận rằng, làm giúp việc cho Tây là một cơ hội lớn để bạn được dịp giao tiếp với người nước ngoài, nâng cao tầm hiểu biết của mình cũng như mang lại cho bạn những kĩ năng sống mà nếu không trải nghiệm thực tế, bạn sẽ không bao giờ biết được.
Nhiều phụ nữ được yêu hơn, dễ lấy chồng hơn khi khéo nấu ăn cả các món Việt lẫn các món Tây, nhưng cũng không ít phụ nữ đã đánh mất mình trước sức hút của đồng tiền. Cũng như những người giúp việc khác tại Việt Nam, osin cho Tây đôi lúc cũng gợn chút mặc cảm, tự ti do nghề nghiệp của mình chưa được đánh giá cao trong xã hội, thậm chí nhiều người chưa thực sự xem đó là một nghề trong xã hội. Tuy nhiên, những người giúp việc này còn “thiệt thòi” hơn một chút khi chịu thêm cả gánh nặng dư luận xã hội.
Đơn cử trường hợp của một goá phụ ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Chị T làm giúp việc cho một ông già người Pháp, độc thân đã ngoài 60 tuổi, sáng đi tối về, nhận mức lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng cũng không ít người trong làng cho rằng lương cao như vậy thì chỉ có nước đi làm “gái bao” mà thôi. Sự thật chỉ có người trong cuộc mới biết, nhưng có thể nói trong xã hội không ít cô gái từ osin đã ôm giấc mộng trở thành bà chủ, để rồi khi vỡ mộng …
Theo VTC