>> Bị đuổi việc vì... vòng một quá khổ
>> Bỏ việc, bán hết tài sản lấy tiền… đi du lịch
>> Thủ khoa hụt hẫng vì bị ngừng cấp học bổng du học
>> “Yêu” sớm, phá thai sớm
Sau “Sát thủ đầu mưng mủ”, Thành Phong tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với tác phẩm truyện tranh “Bé lợn, lớn bò”. Bằng những nét vẽ khá sắc sảo, hài hước, Thành Phong đề cập tới một số vấn đề nóng trong đời sống xã hội hiện nay như vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng giáo dục… với một cốt truyện có nhiều tình tiết bất ngờ.
“Bé lợn, lớn bò” bắt đầu bằng bài kiểm tra môn tập làm văn, đề bài “Tả con lợn”, của học sinh lớp 4. Cậu học sinh lớp 4A Nguyễn Văn Tèo đã gây sửng sốt cho cô giáo Thảo với bài văn đầy lỗi chính tả và câu chuyện về “công nghệ” nuôi lợn siêu trọng, siêu nạc của gia đình mình.
Qua những lời văn chân thật của cậu bé Tèo, người xem không khỏi rùng mình khi biết sức khỏe và mạng sống của mình đang bị đe dọa khi hàng ngày phải ăn các loại rau, thịt đầy hóa chất độc hại.
Tác phẩm phản ánh một nghịch cảnh đau xót trong xã hội ngày nay, khi một số người vì lợi ích kinh tế mà nhẫn tâm đầu độc đồng loại và chính mình.
Trao đổi với PV, Thành Phong cho biết: “Tôi có ý tưởng về “Bé lợn, lớn bò” từ vài tháng trước nhưng bây giờ mới có thời gian thực hiện. Thời gian hoàn thành tác phẩm này trong vòng 3 ngày. Có thể sắp tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện những tác phẩm tương tự”.
Thành Phong cho biết thêm, “Bé lợn, lớn bò” là sự hợp tác của anh với người bạn Gà ri (Trần Thu Hằng). Anh dự định gửi tác phẩm này tham dự triển lãm về truyện tranh tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội), diễn ra vào giữa tháng 6 tới.
“Bé lợn, lớn bò” được đưa lên trang cá nhân của Thành Phong đã thu hút hàng ngàn lượt xem trong thời gian ngắn. Nhiều comment (bình luận) bày tỏ sự thích thú, hưởng ứng và xin dẫn, đăng lại tác phẩm này.
Họa sỹ Nguyễn Thành Phong sinh năm 1986, là người theo đuổi dòng tranh hí họa, biếm họa, truyện tranh và đã đoạt một vài giải thưởng quốc tế. Bên cạnh việc sáng tác truyện tranh dành cho tuổi mới lớn, Thành Phong còn sáng táctruyện tranh cho người lớn, đề cập đến các vấn đề nghiêm túc, không đơn thuần mang tính giải trí. Trong năm vừa qua, Thành Phong được nhắc đến nhiều trong làng xuất bản và cộng đồng mạng khi “trình làng” cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ”. Cuốn sách thể hiện những thành ngữ đương đại của giới trẻ bằng hình thức tranh vẽ đã gây nên những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề “sự trong sáng của ngôn ngữ”. Nhiều nhà văn, nhà ngôn ngữ học lên tiếng ủng hộ “Sát thủ đầu mưng mủ” và cho rằng đây là một hoạt động văn hóa – xuất bản mang tính đột phá. |
Theo Datviet