Hà Nội: Ngành nước đề nghị tăng giá 35%

Thứ hai, 14/05/2012, 14:13
Con số điều chỉnh 30-35% có thể gây ra những tác động không nhỏ đến đời sống người dân.

>>Ngành nước Hà Nội muốn tăng giá 35%
>>Đá bẩn tràn lan quán nước vỉa hè
>>Ớn lạnh với "nước cam" 



Nước sạch tăng giá tới 35%  tác động lớn đến đời sống người dân. Ảnh: Nam Sương

Trong bối cảnh giá xăng, điện, gas, thậm chí là than tổ ong đã tăng mạnh trong vài năm qua, thì đề xuất tăng giá nước của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Cty Nước sạch) không hề phi lý. Song, con số điều chỉnh 30-35% có thể gây ra những tác động không nhỏ đến đời sống người dân – vốn đã chịu quá nhiều áp lực từ nền kinh tế đang khó khăn.
 
Bốn tháng lỗ hàng chục tỷ?
 
Năm 2011, Đà Nẵng tăng giá nước với nhiều mức "khủng", tuy nhiên, người dân đô thị mới phải trả 3.700 đồng/m³ (tăng hơn 50%) cho 10m³ đầu tiên.
 
Năm 2012, TP HCM tăng giá nước, nhưng mức điều chỉnh chỉ là 10%.
Tại cuộc giao ban báo chí tháng 5 ở Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Như Hải – Tổng Giám đốc Cty Nước sạch Hà Nội công bố vài thông tin khá “giật mình”: Thu nhập của công nhân Công ty Nước sạch đã giảm tới 800.000 đồng (từ hơn 5 triệu đồng xuống 4,2 triệu đồng/tháng) so với năm 2011; Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2012, đơn vị này đã lỗ tới 32 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng mà giá nước sạch điều chỉnh từ năm 2010 chưa đủ bù đắp. 

Do đó, Cty Nước sạch đã đề nghị UBND TP Hà Nội sớm đồng ý phương án tăng 30-35% giá nước sạch hiện tại (4.000 đồng/m3 trong 16m3 đầu). Theo ông Nguyễn Như Hải, cho dù mức đề xuất này được áp dụng thì cũng chưa đủ bù chi phí. Nghĩa là, dẫu tăng “sốc” như vậy, đơn vị cấp nước này vẫn cứ lỗ.
 
Lãnh đạo Cty Nước sạch cho biết, việc tăng giá lần này đã được Thành ủy và UBND TP Hà Nội đồng ý về mặt chủ trương. Sau khi đã thông qua nhiều sở, ngành liên quan, đề án của Cty Nước sạch sẽ đi vào thực tế, tuy nhiên, chưa rõ thời điểm và mức tăng cụ thể.

Ông Nguyễn Như Hải nhận định, giá nước sạch Hà Nội hiện khá thấp so với các tỉnh thành trong cả nước với 4 mức giá – nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước cho các đơn vị hành chính sự nghiệp và nước dịch vụ, 97% nguồn thu từ nước sinh hoạt.

Nói về cơ sở để tăng giá, ông Hải cho rằng, từ năm 2010, hầu hết các mặt hàng đã được điểu chỉnh giá, điện tăng 3 lần, lương cơ bản tăng từ 650.000 đồng lên 1.050.000 đồng, nhưng giá nước sạch vẫn đứng im khi mà giá hóa chất, chi phí nguyên vật liệu sản xuất nước sạch cũng tăng 40-50%.
 
So sánh với một số tỉnh, thành, thì Cty Nước sạch quả nhiên có “thiệt thòi” về mức giá. Theo tìm hiểu, đầu năm 2012, Tổng Công ty cấp nước TPHCM (Sawaco) đã điều chỉnh tăng 10% so với năm 2011, chưa bao gồm VAT.

Theo đó, đối với các hộ dân cư, giá nước trong định mức 4m3/tháng là 4.800 đồng/m³, tăng 400 đồng/m³; từ trên 4m³đến 6m³/tháng giá 9.200 đồng/m³, tăng thêm 900 đồng/m³; từ trên 6m³/tháng là 11.000 đồng/m³, tăng thêm 500 đồng/m³.

Tại Hải Phòng, giá nước sạch của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng, theo cam kết với Ngân hàng Thế giới, sẽ được điều chỉnh 3 năm/1 lần. Từ 1/2012, Hải Phòng áp dụng mức 6.500 đồng/m3, không giới hạn định mức sử dụng, chưa bao gồm VAT. Tại Hải Dương, giá nước sinh hoạt là 6.500 đồng/m³ trong 5m³ đầu tiên. Dẫu vậy, Cty Nước sạch có lẽ chưa tính đến tác động mạnh mẽ của con số “khủng” 30-35% đến đời sống dân sinh.
 
Khổ dân nghèo, cực người thuê trọ

Những dữ liệu trên chỉ cho thấy rằng, việc tăng giá nước là cần thiết để các doanh nghiệp nước sạch không “sống dở chết dở” với các khoản lỗ được cho là hàng chục tỷ đồng/4 tháng.

Bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế, nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định giá nước sạch ở Việt Nam còn thấp, điều chỉnh giá nước là hợp lý nhưng cần có lộ trình tăng để không tác động tâm lý quá lớn đến người dân. Đối chiếu với lần tăng giá gần nhất của TPHCM, Đà Nẵng, mức tăng đề xuất 30-35% tại Hà Nội có phần “sốc” khi TPHCM chỉ điều chỉnh 10% so với 2011, Đà Nẵng tăng hơn 30% nhưng mức giá hiện vẫn tương đối thấp.

Cụ thể, giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt khu vực đô thị (đã gồm VAT) do Cty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và Cty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cung cấp là 3.700 đồng/m³ với 10m³ đầu tiên và 4.400 đồng/m3 với định mức từ 10-30m³, trường hợp người dân đô thị dùng hơn 30m³/tháng mới phải trả 5.400 đồng/m³.
 
Người dân nghèo, đặc biệt là đối tượng phải thuê nhà trọ, đã và đang phải gồng mình gánh các loại giá điện, nước, dịch vụ mà chủ trọ tùy ý đưa ra. Các khoản tiền này chiếm một tỷ lệ không nhỏ chi phí đời sống hàng ngày của họ.

Lê Văn Thiện – sinh viên Trường cao đẳng FPT thuê trọ tại đường K2 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm) than thở: “Bọn em quen nghe thấy chuyện tăng giá rồi, sinh viên ngoại tỉnh đi học phải ở trọ mà cứ tăng giá như thế này lại thêm khó khăn. Bọn em mong có những chính sách hỗ trợ cho đối tượng khó khăn chịu ảnh hưởng của những đợt tăng giá này”.

Chị Nguyễn Phương Nguyên, lao động ngoại tỉnh, thuê phòng ở tổ 10 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm) cũng bức xúc: “Tăng giá nước 30% là quá cao, hàng tháng chúng tôi đã phải chi tới 80.000 đồng tiền nước kèm rất nhiều khoản khác. Nếu giá cả cái gì cũng tăng như thế thì làm khổ những người đi thuê nhà như chúng tôi quá”.
 
Một loạt các khu vực có nhiều phòng trọ cho thuê như: Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân – chủ yếu phục vụ sinh viên và lao động ngoại tỉnh – đang rậm rịnh tăng giá nước khi mà thông tin Cty Nước sạch đề xuất điều chỉnh giá mới ra được vài ngày.

Các chủ nhà viện lý do, họ phải trả thêm tiền mua nước thì dĩ nhiên phải tăng thu với khách thuê. Nhưng thực tế, số tiền thu thêm thường lớn hơn nhiều so với hóa đơn nước chủ nhà trọ phải trả. Chủ nhà trọ Dung – Nhung (tổ 14, Cầu Diễn) khẳng định: “Nếu nhà nước tăng giá nước thì chắc chúng tôi cũng tăng tiền thu phí phòng trọ. Tôi nghĩ việc tăng giá lần này sẽ ảnh hưởng lớn đến cả chúng tôi lẫn khách trọ”.

Theo Gia Đình

Các tin cũ hơn