>> Brazil thực hiện trợ cấp cho các gia đình nghèo
>> Hãi hùng vụ phát hiện 49 thi thể không đầu tại Mexico
>> Hút thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh phổi gấp 10 lần
>> Quế Phong, Nghệ An: Cứ ba vụ tai nạn giao thông thì một nạn nhân nhiễm HIV
Từ trà miễn phí
Một điểm uống trà miễn phí trên đường Võ Văn Tần. |
Cách đây ba năm, có thể nhiều người ở TP Hồ Chí Minh còn bất ngờ khi trên vỉa hè những con phố lớn xuất hiện những bình trà đá miễn phí, thì đến nay hình ảnh đó đã quá quen thuộc.
Giờ đây, mọi người có thể bắt gặp những bình trà đá miễn phí nằm khắp thành phố, ở đường Võ Văn Tần, Ðinh Tiên Hoàng, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh... Những bình nước miễn phí đã làm mát lòng nhiều người giữa cái nắng nóng như đổ lửa của phương nam.
Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hường, 65 tuổi đã dậy nấu nước, mua đá, pha bình trà đêm đặt trên đường Ðiện Biên Phủ, phường Ða Kao, quận 1, để những người đi đường uống. Bà kể, cách đây ba năm, khi đi tập thể dục ở công viên, nói chuyện với những người bán vé số, mua ve chai... mới biết rằng có nhiều khi họ khát khô cả cổ họng mà chẳng có tiền mua nước uống.
Thấy vậy, bà đã làm bình trà miễn phí để trên đường ai cần thì uống. Những ngày đầu, mọi người chưa biết, sợ uống xong phải trả tiền nên chẳng ai dám vào uống. Sau đó bà lấy tờ giấy viết "Thùng nước từ thiện" rồi dán lên thùng. Từ đó, mọi người đến uống nhiều hơn, rồi thùng nước của bà trở thành điểm dừng chân của hầu hết người lao động ở gần đó.
Bà Hường chia sẻ: "Ðể có nước lạnh cho mọi người uống, khi mua đá về tôi đem ủ trong thùng đông lạnh và bỏ vào thùng nước khi cần thiết. Mỗi ngày tôi chi 25 nghìn đồng tiền mua đá. Tiền thì quý đấy, nhưng giúp được người khác thì quý hơn nhiều".
Ngày càng có thêm nhiều bình nước miễn phí được đặt trên nhiều con đường tại TP Hồ Chí Minh. Anh Quang, cũng là chủ nhân một bình trà đá miễn phí đặt trên đường Bùi Ðình Túy, quận Bình Thạnh chia sẻ: "Tôi thương những người lao động nghèo khi khát không có nước uống.
Làm sao họ dám bỏ ra 5.000 đồng mua chai nước để giải cơn khát chứ. Vợ chồng tôi không đủ giàu để có thể cho hoặc tặng những thứ giá trị, chỉ có thể mua ít đá, nấu vài ấm nước sôi giúp người ta tiết kiệm được phần nào chi tiêu trong cuộc sống như vậy là vui rồi...!".
Không chỉ bác xe ôm, chị bán vé số, người nhặt ve chai mà cả những người khách qua đường, sinh viên cũng dừng lại bên bình trà miễn phí mỗi khi khát. Gạt những giọt mồ hôi trên mặt, chị Nguyễn Thị Thu, làm nghề bán vé số dạo, uống liền vài ly nước cho đã khát. Chị bộc bạch: "Giữa lúc nóng nắng thế này, còn gì quý hơn được ly nước lạnh để uống. Chúng tôi là những người nghèo, tiết kiệm được vài ba nghìn mỗi ngày cũng đỡ nhiều. Các cô, các bác bỏ tiền công sức làm nước giúp chúng tôi rất nhiều. Họ thật tốt bụng".
Ðến cơm 2.000 đồng
Bên cạnh những bình trà miễn phí là những quán cơm từ thiện, cơm 2.000 đồng đã giúp bao người lao động nghèo trên đường Ngô Quyền, quận 5, đường 281, phường 15, quận 11... Khi tôi đến, mới 10 giờ nhưng quán cơm ở 54/21 trên đường 281, phường 15, quận 11 đã rất đông khách.
Khi đến khách sẽ trả tiền trước khi ăn, có một người nhận nhiệm vụ thu và trả tiền thừa cho khách. Khách hàng là những bác xe ôm, sinh viên, chị bán vé số... Với giá 2.000 đồng nhưng phần cơm đầy đủ thịt, đồ xào, canh và trái cây tráng miệng.
Những phần cơm nóng dẻo đã giúp những hoàn cảnh khó khăn bớt đi cực nhọc, nhất là trong thời điểm giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Ông Lê Văn Hán, quản lý ở quán cơm này cho biết, quán cơm được thành lập từ năm 2008 đến giờ, lúc trước ở cư xá Lữ Gia, do điều kiện cho nên mới chuyển sang địa chỉ này được sáu tháng nay.
Lúc đầu quán cơm được mở ra chỉ hướng đến sinh viên, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, giúp cho các em có điều kiện tốt hơn để học tập. Nhưng sau đó, vì có quá nhiều người đến nên quán cơm đã mở rộng cửa đối với tất cả những người nghèo khó.
Chừng ấy năm làm việc, những người làm thiện nguyện ở quán cơm đã biết tên, nhớ rõ mặt của từng vị khách, biết người này ăn chừng nào cơm, chừng nào canh. Thậm chí, có người đi làm về trễ còn được quán để dành phần cơm cho nữa. "Quán cơm bắt đầu mở cửa từ 10 giờ, vào các ngày thứ 2, 4 và 6 trong tuần. Mỗi ngày có khoảng gần 400 suất cơm được bán ra".
Lúc đầu chúng tôi định mở quán là không thu tiền. Nhưng sau đó thu 2.000 để những người ăn không mặc cảm. Nhiều lớp sinh viên ngày xưa ăn quán cơm này ra trường rồi đi làm, thỉnh thoảng lại mua gạo đến đây để tiếp tục duy trì quán cơm - ông Hán cho biết thêm.
Giữa thành phố đang hối hả từng ngày, những ly trà đá miễn phí, những quán cơm 2.000 đồng đã giúp những hoàn cảnh khó khăn bớt đi phần nào nhọc nhằn. Những nghĩa cử sáng lên tinh thần "lá lành đùm lá rách". Những cái nắng gay gắt của phương nam đang được dịu bớt đi bởi những tấm lòng cao đẹp.
Theo Nhandan