Ảnh minh họa: internet |
Nguyễn Thanh Huyền (Lạng Sơn)
Bệnh trĩ được tạo ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Bệnh gặp ở nhiều người nhưng thường bị bỏ qua hay chỉ đi khám khi thấy không thể chịu nổi vì bệnh ở vùng kín đáo, người bệnh ngại đi khám, nhất là phụ nữ. Trĩ được chia làm 3 loại (trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp) và 4 mức độ (từ 1 đến 4) tùy theo triệu chứng và độ lớn của trĩ. Mỗi loại trĩ và mỗi mức độ có những biện pháp điều trị khác nhau. Bệnh trĩ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để trĩ chảy máu quá lâu làm thiếu máu, đôi khi bị nhiễm khuẩn hay sưng phù, thậm chí bầm tím làm đau đớn. Để giảm đau khi bị trĩ, người bệnh nên làm sạch vùng hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện bằng nước hay giấy vệ sinh mềm, ngâm hậu môn trong nước ấm 15-20 phút, 3-4 lần/ngày. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau hay thuốc làm mềm phân. Biện pháp tốt nhất là không nên để bị táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ, tránh các thức ăn cay, nóng, nên uống nhiều nước hơn người bình thường (khoảng 2,5l/ngày), không nên rặn hay ngồi lâu trong bồn cầu khi đi đại tiện, nên tập thói quen đại tiện đúng giờ.
Theo SK&ĐS
Đinh Thị Mười