Bà chị dâu cao thủ

Thứ hai, 11/07/2011, 00:00
Em có ông anh rất tốt và thương yêu chăm sóc gia đình. Anh cũng là trụ cột về kinh tế trong nhà, còn chị dâu ở nhà nội trợ, chăm con cái.

Ảnh: GettyImages

Tuy vậy, mọi chuyện của gia đình bên nội, mỗi khi giải quyết chuyện gì, cho các em cái gì, anh trai em đều phải bàn với vợ trước. Chị dâu thường không bao giờ ra mặt quyết định để tránh tiếng, nhưng em biết những quyết định ấy toàn là ý của chị, anh chỉ là người phát ngôn và chịu tiếng. Em thấy như vậy giả dối quá, em muốn nói với anh trai nhận xét này để anh thay đổi, giành lấy quyền quyết định trong nhà, bởi anh có kém vợ gì đâu, lại làm ra tiền. Theo chị, em nghĩ vậy có đúng không?

Phạm Thanh Ngân (Q.3, TP.HCM)

Em Ngân quý mến,

Em có tìm hiểu sâu và biết rõ về mối quan hệ nội bộ của gia đình anh chị ấy không? Vì lý do gì anh ấy “nghe lời vợ” đến như thế? Thông thường người chồng “không kém cỏi gì” như em nói, lại kiếm ra tiền thì hiếm khi “làm gì cũng hỏi vợ”. Nhiều ông sống theo kiểu mỗi tháng chi cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Hoặc các ông để quỹ riêng, lương chính thì “nộp”, còn các khoản khác lớn hơn nhiều thì bí mật để tiêu riêng, người vợ không tài nào biết. Thông thường, nhiều cặp vợ chồng cũng có tiền riêng, có khi để tiện việc chi tiêu, chứ không có “âm mưu” gì và họ đều biết rõ như thế (dù số tiền chi li chính xác bao nhiêu không cần nắm). Đó là những cặp tin tưởng nhau, không cần kiểm soát, biết rằng chồng vợ toàn tâm cho gia đình, không ăn chơi phá phách, bồ bịch gì là được.

Có nhiều “kiểu các ông”chi tiêu và chia sẻ ý kiến với vợ như anh của em, điều này cho thấy các ông đó đàng hoàng và quan hệ vợ chồng của họ tốt đẹp. Ngoài ra còn phải thấy, chắc chắn người vợ có một “sức mạnh” sao đó, ông chồng mới tham khảo ý kiến triệt để như vậy. Hoặc là do ý kiến phân tích của chị ấy có lý. Hoặc là do chị ấy chăm lo nội trợ, nuôi dạy con cái, đảm đang giỏi giang nên được chồng nể trọng.

Do đó, em có quyền nhận xét, cảm nhận và nếu có sự việc cụ thể nào rõ ràng thì nói với anh ấy để anh tự xem xét. Không nên buộc tội, kể tội với lòng căm giận, ganh ghét, vì như thế, ông anh sẽ nhận ra ngay và có khi còn bảo vệ vợ hơn.

Ngoài ra, em nên hiểu là rất khó để em thay đổi được tính cách và ứng xử của anh ấy. Đàn ông, có người còn lo cho vợ con mình chu đáo nhưng lơ là với cha mẹ, anh em. Hoặc cũng có bà vợ không thích chồng quá chăm lo cho bên nội, cái gì cũng nghe bên nội, tiền đưa về đó, tạo ra hẳn một “phe” đối nghịch với nàng dâu. Điều này tùy thuộc vào mức độ của từng cặp vợ chồng thương yêu gắn bó đến đâu. Em có thể cảm nhận sự khôn ngoan hoặc giả tạo của chị dâu, nhưng từ đó muốn thay đổi ông anh thì không dễ. Ông ấy chỉ thay đổi khi ông ấy nhận ra bằng chính suy xét và cảm nhận độc lập của mình, ý kiến xung quanh chỉ là tham khảo.

Mong anh em gắn bó với đại gia đình là điều đúng, nhưng “phương pháp” để làm họ thay đổi thì phải thận trọng và mỗi người đều có hạnh phúc riêng cần rất nhiều nỗ lực và trách nhiệm. Hãy góp phần giúp đỡ và tôn trọng sự riêng tư này, không nên can thiệp vào những gì mình chưa hiểu hết. Đó cũng là cách giúp đỡ những người thân yêu.

Chúc em sức khỏe.

Theo PNCN

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn