Thận trọng gấp đôi

Thứ hai, 04/07/2011, 00:00
Em đã ly hôn cách đây năm năm, giờ được sự đồng tình của gia đình, bạn bè và cả con nên em đang chuẩn bị đi thêm bước nữa.

Ảnh: GettyImages

Em và anh ấy biết nhau đã lâu, nhưng ít có thời gian gần gũi. Gần đây, vì tính chuyện kết hôn nên anh để em giúp anh giải quyết công việc, lo những chuyện lặt vặt trong nhà anh... Cũng nhờ vậy, em phát hiện em và anh có nhiều xung khắc. Anh rất nóng tính, ngang ngược và cố chấp. Em đã góp ý để anh sửa chữa, hạn chế bớt, nhưng sau bao nhiêu “trận xung khắc” quyết liệt, bao nhiêu lời hứa sẽ thay đổi, anh vẫn vậy. Vì nóng tính nên nhiều lúc anh ứng xử có phần thô lỗ, làm em cũng cảm thấy xấu hổ, dù sau khi những căng thẳng qua đi, anh không hề để bụng. Là một phụ nữ có học thức, em sợ mình sẽ không chịu nổi nếu anh cứ như thế, nên đã có lúc em đòi chia tay. Anh rất cần em nhưng mở miệng là ra vẻ bất cần. Mỗi khi em đau khổ, anh cũng chưa bao giờ hỏi em vì sao và tìm cách chia sẻ với em. Em góp ý, anh lại cho rằng em hay đòi hỏi. Anh còn nói: “Mình đã lớn rồi, anh chăm sóc theo kiểu của anh, chứ chăm sóc theo kiểu trai gái mới lớn, anh làm không được...”. Em thật sự cần một người để cùng quan tâm, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống, nhưng với anh thì e rằng khó có được điều đó. Anh cũng thừa nhận là anh không biết quan tâm đến phụ nữ. Thấy không hợp nhau, em đề nghị  chia tay thì anh lại bảo: “Anh sẽ thay đổi từ từ...”. Thời gian không còn chờ đợi nữa, vì em cũng

40 tuổi, anh đã 48 tuổi. Theo chị, em phải như thế nào?

Hà (Hà Nội)

Em Hà mến,

Qua thư, có thể thấy, em và anh ấy có tình yêu, nhưng lại thiếu sự hòa hợp về tính cách. Em cần một người tế nhị, biết quan tâm, chia sẻ, trong khi anh ấy thì ngược lại: nóng tính, cộc cằn và có phần thô lỗ. Đáng lo là ở tuổi anh ấy, tính cách đó đã ăn sâu vào nếp sống, cách ứng xử nên rất khó thay đổi. Thực tế là em đã có những góp ý cụ thể, nhưng anh ấy vẫn cứ vậy. Có thể một phụ nữ khác sẽ không mấy băn khoăn như em mà nhìn đến những mặt tốt khác của đối tượng. Ví dụ như người chồng có cộc tính một chút, có vẻ hơi thiếu quan tâm một chút, cũng không quan trọng bằng việc họ có yêu mình không, có đáng tin cậy không, có thể là một chỗ dựa vững chắc cho vợ con không… Việc quan tâm đến những tính cách đó cho thấy em là người sống thiên về tình cảm, nên những yếu tố này thật sự rất quan trọng. Đi bước nữa với người chồng như thế, e rằng em sẽ khó tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn, bởi những điều em cần, anh ấy không đáp ứng được. Nhưng, cũng vì thế mà khó có câu trả lời toàn vẹn cho em là nên tiến tới hay dừng lại.

Chị nghĩ, em nên chậm lại để có thêm thời gian cân nhắc. Em đừng cho rằng cả hai đều đã nhiều tuổi mà vội vàng, khi vẫn còn vướng mắc trong suy nghĩ. Đi bước nữa càng phải thận trọng gấp đôi. Để tiến tới, em cần xác định rõ với mình là tính cách anh ấy rất khó thay đổi, phải chấp nhận chịu đựng. Tuy nhiên, chấp nhận cũng có mức độ. Em cần phân tích cho anh ấy hiểu, những gì em cần ở anh ấy không phải cái kiểu chăm sóc của “trai gái mới lớn”, mà là sự quan tâm, chăm sóc, sự chia sẻ của những người muốn dành cả cuộc đời bên nhau. Đó là biểu hiện của chân tình chứ không phải là sự màu mè. Em nên nói rõ những gì mình mong muốn ở anh ấy, gợi ý anh ấy từng chuyện cụ thể… Nếu thật lòng yêu em, không nhiều thì ít, anh ấy sẽ dần có những thay đổi nhất định. Nếu anh ấy thật tình “chịu” biến chuyển, em có thể yên tâm tiến tới. Còn như anh ấy tiếp tục “vẫn vậy”, chắc em phải tự hỏi mình có chịu nổi người chồng như thế đến hết đời không? Nếu câu trả lời cuối cùng là không, e rằng em phải dừng lại.

Theo PNCN

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn