Nguyễn Văn Thảo (Hà Nội)
Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong các bệnh tim mạch; các biến chứng của THA rất thường gặp, nghiêm trọng nhất là tai biến mạch máu não (đột qụy). Nghiên cứu cho thấy cứ HA tâm thu (số trên) tăng 20mmHg và HA tâm trương (số dưới) tăng 10mmHg thì nguy cơ tử vong do tim mạch tăng gấp đôi. Chẳng hạn ở độ tuổi 40-59 tuổi có HA ban đầu 115/75mmHg, nếu HA tăng lên 135/85mmHg (115+20/75+10) thì nguy cơ tử vong tăng gấp đôi và khi HA tăng lên 175/105mmHg (115+60/75+30) thì nguy cơ tử vong tăng gấp 8 lần. Tỷ lệ đột qụy sẽ tăng cao trong cả hai trường hợp (tăng HA tâm trương hoặc tăng HA tâm thu). Nghiên cứu của Framingham về diễn tiến HA theo tuổi trong giai đoạn từ 36 - 76 tuổi cho thấy: vào năm 36 tuổi, HA tâm thu ở nữ từ 110mmHg, của nam từ 125 sẽ tăng dần đến 76 tuổi. Riêng HA tâm trương thì ở tuổi 36 của nữ là 70mmHg, nam là 80mmHg, tăng dần đến năm 46 tuổi đạt 80mmHg ở nữ và 85mmHg ở nam. Từ tuổi 46-71 HA tâm trương có thay đổi không đáng kể. Từ tuổi 71 trở đi cũng có dao động và bắt đầu giảm: 80mmHg (nam) và 75mmHg (nữ) vì vậy ở người cao tuổi khi bị THA có thể thấy huyết tâm trương không tăng nhiều. Trường hợp HA của cụ với chỉ số hiện tại 140/65mmHg (nếu chưa dùng thuốc HA thì không đáng lo) nhưng nếu đã dùng thuốc thì cũng cần khám và kiểm soát HA thường xuyên để tránh tai biến. Không có loại thuốc nào riêng cho HA tâm thu hay tâm trương nên khi dùng thuốc HA thì tâm thu giảm và HA tâm trương sẽ giảm theo.
Theo SK&ĐS
Đinh Thị Mười