Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện công khai viện phí mới

Thứ bảy, 04/08/2012, 15:26
Trước tình trạng một số bệnh viện "âm thầm" tăng viện phí, ngày 3/8 Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành và bệnh viện tuyến trung ương yêu cầu phải niêm yết bảng giá mới cho người bệnh được rõ.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bảng giá viện phí mới phải được niêm yết tại khu vực người bệnh dễ quan sát, đồng thời giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ khám - chữa bệnh.
 
Những bệnh viện lớn tuyến trung ương, tỉnh như Bắc Giang, Cần Thơ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Cà Mau, Kon Tum, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nam và Lâm Đồng đã bắt đầu thực hiện viện phí mới. Một số địa phương khác đã được duyệt giá viện phí nhưng chưa áp dụng ngay.
 
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay 42 tỉnh thông qua điều chỉnh viện phí mới đều có mức giá phù hợp (bằng hoặc thấp hơn 80% trần đề xuất). Một số địa phương đề xuất cao hơn 90%, nhiều mức chưa hợp lý, do vậy Bảo hiểm xã hội đã đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình địa phương.
 
Cơ quan này cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội ở các tỉnh giám định lại những khoản chi phí, yêu cầu bệnh viện không được thu thêm của người bệnh ngoài các khoản mà Bảo hiểm y tế đã chi trả.
 
Anh Thanh là một bệnh nhân hiếm hoi xem xét kĩ giá viện phí mới so với giá cũ tại bệnh viện K

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tuy đã áp dụng giá viện phí mới được hơn nửa tháng nhưng vẫn còn treo hai bảng giá viện phí cũ được thông qua từ năm 2006. Điều này khiến đa số bệnh nhân điều trị vẫn chưa biết về giá viện phí tăng.
 
Ở khu khám bệnh vẫn còn tình trạng bệnh nhân ngồi chờ cả buổi mới đến lượt khám. Con số khám bệnh luôn vượt quá 35 bệnh nhân mỗi phòng. Thêm vào đó, khu khám bệnh đang tu sửa nên cảnh quan khá lộn xộn, khu vệ sinh sực mùi.
 
Các phòng chụp X-quang thường quá tải. Bệnh nhân ngồi chật kín các ghế, tràn ra hành lang trước cửa phòng chụp.
 
Bên ngoài phòng bán thuốc, ông Ngô Văn Hùng (60 tuổi, thành phố Bắc Ninh) chăm chú nhìn bảng giá dịch vụ mà vẫn băn khoăn không biết phí chụp cắt lớp tăng lên bao nhiêu. Ông nói: “Vợ tôi phải chụp cắt lớp, làm dịch vụ, nghe nói giá viện phí đã tăng mà không thấy biển báo hay nhân viên y tế nói gì”.
 
Cũng chung suy nghĩ ấy, bà Hòa (Bà Triệu, Hoàn Kiếm) cho biết: “Mấy ngày nay nghe vô tuyến nói về giá viện phí tăng, tôi cũng không biết thực hư tăng thế nào”.
 
Bệnh viện K vài ngày trước vẫn chưa dán thông báo tăng giá viện phí dù đã áp dụng từ 20/7. Đến 3/8, một bảng giá hơn 300 dịch vụ tính theo giá mới, cùng bảng giá cũ đã được dán trước khu thanh toán viện phí.
Theo một nhân viên bệnh viện: “Dù có dán bảng giá viện phí nhưng bệnh nhân cũng chẳng quan tâm. Thắc mắc gì, họ toàn chạy vào phòng hỏi”.
 
Ông Trần Như Đạo (55 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) đau bụng nhiều ngày, phải nhập viện. Ông nói: “Lúc nhập viện tôi đóng 6 triệu. Sau 13 ngày ở viện và làm 3 dịch vụ chụp X-quang, tim đồ, thử máu, bệnh viện trả lại tôi 5.014.000 đồng. Tôi không có bảo hiểm. Tính ra số tiền cũng không nhiều nhưng chất lượng dịch vụ ở đây kém quá. Tôi không có giường để nằm”.
 
Anh Thanh (33 tuổi, Nghĩa Lộ, Yên Bái) đưa bố đi khám bệnh. Vì nghe giá viện phí tăng nên mấy ngày nay anh đã đi các bệnh viện để khảo sát. “Tôi tham khảo cả giá cũ, giá mới, bệnh viện này với các bệnh viện khác, nơi nào có chất lượng dịch vụ tốt hơn thì tôi sẽ đưa bố sang đó”.
 
Anh Thanh cũng cho biết nghe nói một phần viện phí sẽ được trích ra để tăng chất lượng khám chữa bệnh nhưng anh không kỳ vọng về chuyện này:
 
“Hiện nay, bệnh viện K vẫn còn tình trạng xếp hàng chờ khám bệnh chứ không lấy phiếu như các bệnh viện khác, sang khoa khác phải xếp hàng lại. Ngay cả thủ tục hành chính còn chưa được cải thiện thì nói gì đến chất lượng dịch vụ hay cơ sở vật chất”.
 
Một vài bệnh nhân khác cũng bày tỏ giá viện phí tăng hay giảm không quan trọng bằng việc số tiền họ bỏ ra thế nào thì phải được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tương ứng.
 
Chất lượng điều trị tại bệnh viện vẫn chưa theo kịp mức điều chỉnh viện phí. 

Các bệnh viện tại TP HCM vẫn chưa được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội duyệt khung viện phí mới vì bảng giá đề xuất chưa hợp lý hoặc thậm chí chưa xây dựng mức.
 
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho biết, Sở Y tế và Sở Tài chính đang xem xét, tham khảo kinh nghiệm từ các bệnh viện đã thực hiện trước khi xét duyệt mức phí hợp lý nhất.
 
"Sớm nhất là trong tháng 10 năm nay, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP HCM mới hoàn tất tăng viện phí”, bác sĩ Nam cho biết.
 
Đại diện hai bệnh viện trực thuộc trung ương có cơ sở đặt tại TP HCM là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thống Nhất cũng cho hay vẫn chưa thể áp dụng mức viện phí trong thời điểm này.
 
Bác sĩ Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh viện đã hoàn tất khung giá mới để trình Bộ Y tế phê duyệt nhưng vẫn chưa có kết quả.
 
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nói đã trình khung viện phí mới, nhưng còn một số vướng mắc đang giải trình với Bộ và Bảo hiểm xã hội. Thực chất, việc chậm được phê duyệt này là do khi xây dựng giá mới của một số dịch vụ (ví dụ siêu âm động mạch chủ bụng), Bệnh viện Chợ Rẫy đã thống kê chi phí chưa hợp lý.
 

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn