Những bệnh nhân hồi sinh từ cửa tử

Chủ nhật, 05/08/2012, 08:24
Nhồi máu cơ tim, nhập viện khi đã ngưng tim ngưng thở, bác sĩ tiên lượng tử vong lên đến hơn 95%, song nhiều bệnh nhân tự vượt qua cửa tử để về với cuộc đời.

>> Thụy Sĩ: Bắt cóc trẻ sơ sinh để... hồi sinh người chết (?!)
>> Mẹo vàng giúp “dế” hồi sinh khi gặp nước
>> "Cần cơ chế bảo vệ cuộc sống chung của người đồng tính"
>> Lương tối thiểu phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu
 

Chuyện đã xảy ra hơn một năm nhưng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn nhớ như in ca nhồi máu cơ tim "chết đi sống lại", bởi khi được đưa đến cấp cứu, cả gia đình và bác sĩ đều nghĩ rằng bệnh nhân đã chết.

Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghĩa, Phó khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, kể: Hôm ấy bác sĩ của bệnh viện Bình Dương gọi điện nhờ tư vấn một ca nhồi máu cơ tim đã ngưng tim ngưng thở. Tiên lượng bệnh nhân tử vong rất cao nhưng người nhà vẫn mong muốn được cứu chữa.

"Đường chuyển bệnh từ Bình Dương đến TP HCM mất hơn một giờ đồng hồ, bệnh nhân lại nguy kịch nhưng với suy nghĩ còn nước còn tát, chúng tôi đã yêu cầu tuyến dưới chống sốc và chuyển viện. Nào ngờ sau khi được thông tim, bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Hiện ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh và đi làm bình thường", bác sĩ Nghĩa nói.

Để mang bệnh nhân từ cõi chết trở về với cuộc sống, theo tiến sĩ Nghĩa, cần có sự kết hợp giữa 3 yếu tố: "bác sĩ tích cực - người nhà quyết tâm và cuối cùng là điều kỳ diệu".

Nhiều bệnh nhân tưởng đã tử vong nhưng sau đó lại
bình phục rất nhanh. Ảnh: Cao Lâm.


Vào tháng 2, một bé gái 9 tuổi bị suy hô hấp, rối loạn đông máu, tràn máu màng phổi rồi suy gan, suy thận do sốt xuất huyết tưởng sắp tử vong. Sau hơn 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trở về với đời thường trong niềm vui mừng đến ngỡ ngàng của gia đình lẫn y bác sĩ bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết ca của bé được đánh giá "sốc đa cơ quan trên nền sốt xuất huyết trong tình trạng nguy kịch". Với ca bệnh này, nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm, không kiên trì tích cực điều trị thì bệnh nhi chắc chắn đã "bị bỏ cuộc" bởi diễn tiến bệnh rất phức tạp.

Một trường hợp khác cũng được các bác sĩ cho là hy hữu xảy ra cuối năm 2011. Bé trai 6 tuổi bị ngạt nước và được bệnh viện tuyến dưới đánh giá khó có thể qua khỏi. Thế nhưng mang hy vọng sống mong manh, bố bé bế con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhờ cứu chữa. Và phép lạ đã đến, sau hơn một tuần cấp cứu, bé bỗng hồi sinh.

"Chúng tôi đã phải dùng mọi phương pháp cấp cứu hồi sức, song việc bệnh nhi phục hồi nhanh là điều ít ai dám nghĩ đến khi tiếp nhận ca bệnh", một điều dưỡng nói.

Chuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cũng là nơi từng tiếp nhận nhiều trường hợp hôn mê sâu vì cúm gia cầm, bệnh liên cầu khuẩn, bệnh giun sán, tưởng chừng tử vong nhưng cuối cùng lại khỏi bệnh.

Sau gần nửa năm thoát cửa tử vì nhiễm virus cúm gia cầm H5N1, bệnh nhân Trương Gia Phú ngụ tại Bình Dương cho biết đến nay anh vẫn không thể tin được mình còn sống. "Tôi hôn mê sâu gần 20 ngày. Lúc mới nhập viện, khi cơn mệt mỏi ập đến và thấy khó thở, tôi nghĩ mình không thể qua nổi", bệnh nhân nhớ lại.

Bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 may mắn thoát cửa tử sau hơn 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Cao Lâm.


Một trường hợp khác cũng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn nguy kịch đến mức các bác sĩ không dám tiên lượng khả năng sống còn. Thế nhưng sau nhiều ngày nằm mê man và được lọc máu liên tục, cuối tháng 7, bệnh nhân cũng đã tỉnh lại trong sự vui mừng của gia đình.

Từ những trường hợp sống hy hữu dù hy vọng mong manh, các bác sĩ khẳng định luôn nỗ lực cứu bệnh nhân đến phút cuối cùng.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, nguyên tắc của bệnh viện là dù còn 1% hy vọng thì vẫn phải cứu bệnh nhân. "Tôi vẫn nhắc nhở các đồng nghiệp: Còn nước còn tát. Tát đến hết thể tát được mới thôi. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều bệnh nhân dẫu bác sĩ đã có thể trả về nhà chờ chết thì vẫn được cứu sống", ông Châu nói.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng cho biết, bác sĩ phải tiến hành cứu chữa bệnh nhân đến phút cuối cùng, và thực tế điều trị đã cho thấy có không ít trường hợp điều kỳ diệu đã xảy ra.

"Chúng tôi chỉ dừng tay nếu bệnh nhi diễn tiến nặng dần, suy đa cơ quan, suy hô hấp, ngưng tim và đã dùng hết các phương pháp cấp cứu mà tình hình sức khỏe vẫn không cải thiện", bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Phạm Chí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, mỗi loại bệnh có một hướng xử lý khác nhau, song muốn kết luận bệnh nhân có còn cơ hội được cứu chữa nữa hay không, bác sĩ phải đánh giá tất cả các yếu tố chứ không thể chỉ căn cứ vào một hai yếu tố.

"Tiến hành đầy đủ các biện pháp cấp cứu như bù điện giải, dùng thuốc, vận mạch..., hết cách mà bệnh nhân vẫn không cải thiện sức khỏe thì bác sĩ mới tính đến việc đưa ra kết luận về cơ hội sống của họ", bác sĩ Dũng nói.


Theo VNN

Các tin cũ hơn