Bạo hành là phương pháp giáo dục trẻ em của người Việt?
Chủ nhật, 05/08/2012, 10:05
Gần đây, trên các diễn đàn báo chí đã rộ lên cuộc tranh luận về việc giáo viên dùng đòn roi trong quá trình giảng dạy tại các trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học.
Bình luận với VietNamNet ngày 1-8, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Chả có cơ sở khoa học nào chứng minh cho chuyện “có những học sinh cũng phải đánh mới dạy được”.
Ngược lại, kinh nghiệm cho thấy tình trạng nhờn đòn là rất phổ biến trong trẻ em. Càng đánh càng nhờn, không biết sợ hãi mà chỉ thêm ác cảm, thậm chí thù ghét người sử dụng đòn roi. Tôi lớn lên dưới mái trường sau cách mạng nên chưa bao giờ gặp trường hợp thầy cô giáo dùng đòn roi.
Thiếu gì hình phạt khác thích hợp cho các lứa tuổi khác nhau: bắt xin lỗi, bắt chép bài, bắt đứng quay mặt vào tường, yêu cầu gặp phụ huynh, khiển trách ghi học bạ...”.
Nhìn một cách tổng thể hơn, đòn roi là phương pháp bạo hành về thể xác. Trẻ em ngày nay không chỉ bị bạo hành về thể xác mà còn bị bạo hành về tinh thần, không chỉ bị bạo hành ở trường mà còn bị bạo hành ở nhà.
Không chỉ có thầy cô mới bạo hành trẻ em mà bố mẹ chúng cũng vậy. Đó là hiện tượng gần như đang mặc nhiên được chấp nhận ở Việt Nam như một yếu tố văn hóa, đặc biệt là việc bạo hành trẻ em trong gia đình.
Trước hết, hành vi bạo hành thể xác đối với trẻ em, dù là tát vào mặt, dùng roi, dùng thước đánh vào mông, vào tay hay bất cứ vị trí nào trên cơ thể, đều là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của vụ việc, các thầy cô và bố mẹ gây ra thương tích cho trẻ phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Họ có thể phải chịu hình phạt tù tối thiểu là sáu tháng.
Pháp luật ở một số nước còn áp dụng hình phạt bổ sung là cấm những đối tượng này (dù là bố, mẹ) không được tiếp xúc với trẻ trong một thời hạn nhất định.
Pháp luật là đạo đức tối thiểu. Nếu các bậc phụ huynh và giáo viên dùng phương pháp bạo hành để dạy dỗ trẻ, đồng nghĩa với việc họ đang vi phạm thứ đạo đức tối thiểu của xã hội.
Trên tất cả, họ giáo dục trẻ em bằng một phương pháp phản giáo dục và ngụy biện cho điều đó bằng câu tục ngữ của cha ông: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Xã hội Việt Nam đang thờ ơ trước sức khỏe và tâm hồn của trẻ em bằng cách chấp nhận một thứ triết lý gia trưởng kiểu phong kiến và nếu không sớm thay đổi, sẽ còn nhiều thế hệ người Việt Nam sứt mẻ cả về tâm hồn lẫn thể xác.