Định bệnh ăn cắp giờ nhà nước

Thứ ba, 25/12/2012, 10:52
Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận vừa mở đợt kiểm tra đột xuất về giờ giấc làm việc ở 7 sở, ngành, 4 huyện, thành phố, 4 xã, phường, đã cho thấy có tới 224 công chức ăn gian giờ làm việc từ 30 phút đến 105 phút/ngày. Có nơi hàng chục người không đi làm, phòng tiếp dân không có người trực.
Định bệnh ăn cắp giờ nhà nước

Nhiều công chức vắng mặt tại công sở trong giờ làm việc. (ảnh minh họa)

Nói chung họ ăn cắp giờ để làm việc riêng và đi cà phê tán dóc.

Tuy nhiên việc “định bệnh”, tìm “phương thuốc trị bệnh” có những ý kiến rất khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, tình trạng này là do người đứng đầu cơ quan không nghiêm khắc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương. Nghe cũng đúng, nhưng chưa đủ! Tại sao không đặt thêm câu hỏi: ”Vì sao người đứng đầu không nghiêm khắc, cứ buông lỏng quản lý, để cơ quan xộc xệch trì trệ ?”.

Có hai thành ngữ liên quan đến câu hỏi này cần phải xét tới: “Dễ người, dễ ta” và “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ được cấp huyện, thị nghiêm túc tiếp thu, tổ chức kiểm điểm, nhận khuyết điểm, đề ra cách khắc phục.

Trong khi đó, các sở, ngành có nhiều ý kiến chưa đồng ý với kết luận kiểm tra. Một giám đốc sở cho rằng: “Đánh giá cán bộ công chức phải dựa trên kết quả công tác chứ không nên đánh giá hành vi.Một người đến cơ quan làm việc đúng 8 giờ, nhưng chỉ chơi game thì có tốt hơn một người đến trễ mươi, mười lăm phút nhưng làm đến trưa, đến tối?”.

Đến đây nảy ra nhiều vấn đề cần bàn. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên kết quả công tác, điều này hoàn toàn đúng.

Một người đến cơ quan làm việc đúng 8 tiếng, nhưng chỉ chơi game. Chỉ chơi game thì sao gọi là làm việc đúng 8 tiếng? Đây là một hình thức ăn cắp giờ tại bàn làm việc đấy chứ!

Một trường hợp khác đặt ra, có người đến trễ giờ làm việc theo quy định, nhưng họ làm bù đến trưa, đến tối thậm chí đến khuya để hoàn tất công việc được giao thì có đáng hoan nghênh không?

Nếu thỉnh thoảng xảy ra thì có thể du di, nhưng không nên duy trì tình trạng này, vì như vậy sẽ làm hỏng nền nếp, kỷ cương của một công sở.

Đến đây có thể nhận thấy tình trạng cán bộ, công chức làm việc không nghiêm túc, kém hiệu quả là do nhiều nguyên nhân, nhưng bao trùm là không được quản lý tốt. Mỗi cơ quan, công sở có những nội dung công việc, những mục tiêu phải hoàn thành.Người đứng đầu phải có khả năng quản lý để đạt hiệu quả cao nhất.

Ở đây cần khoa học quản lý: Biết phân công người nào vào việc ấy theo đúng khả năng họ được đào tạo; mỗi công việc đều có định mức thời gian lao động; sắp xếp trình tự công việc và mối quan hệ giữa các khâu sao cho thật hợp lý.

Ngoài ra, quản lý còn là một nghệ thuật, đòi hỏi người đứng đầu phải gương mẫu, để cán bộ, công chức khâm phục, cảm mến và noi theo; phải có cách khuyến khích bằng nhiều hình thức, nêu gương, động viên tinh thần và khen thưởng vật chất.

Quan sát tình hình hoạt động của các công sở ở Ninh Thuận, có thể hình dung tình trạng chung của cán bộ công chức cả nước. Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc để có một hệ thống công chức mẫn cán, tinh thông nghiệp vụ và tận tụy phục vụ nhân dân.

Sở Nội vụ Ninh Thuận đã khởi đầu một công việc rất cấp thiết, đầy khó khăn, nhưng rất đáng khuyến khích. Việc làm này rất đáng được Bộ Nội vụ nghiên cứu, giúp đỡ, bổ sung cách làm cho đạt hiệu quả nhiều mặt (chống hành dân, nhũng nhiễu, vòi vĩnh...) và nhân rộng ra cả nước.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích