11% số bệnh nhân nhập viện "rước" thêm bệnh

Thứ ba, 25/12/2012, 11:04
Số ca bệnh do nhiễm khuẩn chéo tại bệnh viện khoảng 600.000 người, chiếm trên 11% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Qua điều tra của ngành y tế tại một số địa phương, việc chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến huyện, chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị của bệnh nhân, làm tăng chi phí cho người bệnh. Thực tế này đòi hỏi ngành y tế cần có biện pháp cấp bách nâng cao hiệu quả chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện nói chung và bệnh viên huyện nói riêng.

Nhiều bệnh viện không có bồn rửa tay

Theo điều tra "Thực trạng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2012" tại 522 bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện cho thấy, mới chỉ có 59% bệnh viện có hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho rằng: Một trong những tồn tại của công tác chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện là kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế.

benh vien

 Ảnh minh họa

Thực tế ở nhiều bệnh viên huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy, việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chưa triệt để do ý thức giữ gìn vệ sinh tay chân, vẫn còn tình trạng nhiều người không mặc áo choàng khi đến thăm bệnh nhân, khiến nguy cơ nhiễm khuẩn gia tăng.

Thực tế, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của nhiều bệnh viện hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến. Theo khảo sát tại 9 bệnh viện huyện của 5 tỉnh phía Bắc thì có đến 4 bệnh viện chưa có bồn rửa tay trong buồng bệnh, thậm chí nhiều bệnh viện sử dụng nước giếng khoan, không đảm quy chuẩn vệ sinh ngành y tế trong khám chữa bệnh hiện nay.

Bà Cao Thị Minh, Trưởng Phòng kế hoạch Trung tâm y tế huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cho biết: Trung bình mỗi năm Trung tâm có 10.000 bệnh nhân nằm nội trú, hơn 2.500 ngoại trú, trong khi số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh không ngừng tăng lên.

Nhập viện lại mắc thêm bệnh

Để giải quyết triệt để tình trạng nhiễm khuẩn hiện nay cần nguồn kinh phí rất lớn. Bà Cao Thị Minh cho biết: “Chúng tôi đang rất bí về nhân lực làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có trình độ, bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động để hấp, sấy, giặt là, thùng rác là rất lớn.

Trong khi những bệnh viện tuyến huyện thuộc vùng nông thôn, nên việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác nhiễm khuẩn phải tốn tiền tỷ, vì vậy chúng tôi không thể thực hiện ngay được”.

Hiện có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện khác nhau, thường gặp là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường huyết... Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đối với các bệnh viện tuyến huyện.

Nhất là chú ý xử lý không khí trong phòng mổ, khoa hồi sức cấp cứu; buồng thu gom và xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa lâm sàng, khử khuẩn – tiệt khuẩn tập trung đồ vải hay phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn bệnh viện... Ông Phạm Đức Mục đề nghị đưa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trở thành hoạt động trọng tâm của ngành y tế.

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam khoảng 8%. Đây là căn nguyên dẫn đến thời gian điều trị dài hơn, gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh, chi phí y tế cao và tỷ lệ tử vong tăng. Trong đó, số ca bệnh do nhiễm khuẩn chéo tại bệnh viện khoảng 600.000 người, chiếm trên 11% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Con số này cho thấy cấp thiết phải kiểm soát nhiễm khuẩn toàn diện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện. Đây không chỉ là trách nhiệm của các y, bác sỹ mà bản thân và gia đình bệnh nhân cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tuân thủ nghiêm những quy định khi nằm viện, có như vậy, việc kiểm soát nhiễm khuẩn ngay từ bệnh viện tuyến huyện mới hiệu quả.

Theo VOV

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích