Theo thông tin ban đầu, tỉ lệ rau- củ- quả nhiễm dư lượng thuốc BVTV đã có xu hướng giảm so với mọi năm và bộ đang nỗ lực giảm thêm tỉ lệ này trong thời điểm tới.
Tiếp tục quyết liệt kìm rau, thịt bẩn
Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã lấy 400 mẫu rau quả tươi tại Hà Nội và một số tỉnh, thành trọng điểm để kiểm nghiệm các hoạt chất thuốc BVTV. Kết quả cho thấy, có 16 mẫu rau quả có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, chiếm khoảng 4%.
Cục đang thực hiện truy xuất nguồn gốc để phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục. Một thông tin đáng giật mình là sau khi kiểm định gần 700 mẫu thuốc BVTV, cục này phát hiện 11 mẫu thuốc nhập khẩu không đạt chỉ tiêu chất lượng.
Gà không nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan tại khu vực Cầu Diễn – Hà Nội. Ảnh: D.H |
Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết: “Tỉ lệ rau nhiễm thuốc BVTV vượt ngưỡng vẫn khá cao so với các nước tiên tiến. Từ nay đến Tết Nguyên đán, cục sẽ tăng tần suất lấy mẫu rau- củ nội địa lẫn các loại rau nhập khẩu từ các chợ đầu mối, tăng kiểm tra đột xuất và siết chặt hơn khâu kiểm dịch”.
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy- hải sản cũng tràn lan khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Các mẫu kiểm nghiệm cho thấy dư lượng kháng sinh, lượng vi sinh vật còn cao trong thủy sản tươi.
Chất kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi lợn dù đã giảm khoảng 4% so với năm ngoái, song vẫn không loại trừ các nông hộ lạm dụng chất này trong chăn nuôi, khiến thị trường thịt lợn có thời điểm điêu đứng.
Hiện tình trạng này đã được siết chặt hơn, tỉ lệ mẫu kiểm nghiệm cho kết quả khả quan hơn, song theo Cục Chăn nuôi, thời điểm giáp tết cũng có nguy cơ gia tăng bởi đây là lúc nguồn cung dồi dào phục vụ lượng lớn nhu cầu tiêu thụ.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các dịch bệnh về gia súc, gia cầm do thay đổi thời tiết, việc vận chuyển gia súc gia cầm tăng cũng như giết mổ tràn lan. Nếu không siết chặt các khâu từ giết mổ đến vận chuyển, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh ngay khi tết cận kề cũng sẽ dễ xảy đến.
Ưu tiên những nông sản thiết yếu
Theo ghi nhận, thị trường hàng hóa, thực phẩm nông sản các loại những ngày này đã được tập kết khá nhiều tại các chợ đầu mối, siêu thị, chợ dân sinh... Ngoài rau quả, các thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản, nông sản khô... cũng đã được các hệ thống siêu thị lên kế hoạch nhập hàng về tiêu thụ cho Tết Nguyên đán.
Hiện giá cả các mặt hàng nông sản đã tăng từ 5 – 10% so với tháng trước. Theo đó, gà ta nguyên lông có giá 130.000đ/kg, mực tươi 200.000đ/kg, tôm sú 250.000đ/kg, cá chép 90.000đ/kg...
Một tiểu thương chuyên buôn gà ở chợ Nam Đồng (Q. Đống Đa – Hà Nội) cho hay, giá gà ta “xịn” còn tiếp tục tăng vào thời điểm cận tết. Riêng với gà mía (gà tre giết mổ sẵn) – thực chất là gà nhập lậu, giá sẽ ổn định hơn và không lo thiếu hàng.
Loại gà này thường được các tiểu thương nhập trực tiếp từ các “lò mổ” nhỏ lẻ khu vực ngoại thành Hà Nội và tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể nào phân biệt được đâu là gà ta và đâu là gà quá “đát”.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc bộ phải làm tận gốc của vấn đề, làm sao để truy tận cùng nguồn gốc các loại rau quả, thực phẩm, đặc biệt là vào thời điểm cận tết.
Với tiêu chí không hô hào, làm có trọng tâm, bộ trưởng yêu cầu các đầu mối cơ quan chức năng phải thực hiện triệt để các biện pháp. Trong đó, với khoảng hơn 2.000 các mặt hàng đang trực thuộc quản lý của bộ, ông Cao Đức Phát yêu cầu tập trung ưu tiên các hàng nông sản thiết yếu như rau- củ - quả, gà, lợn, hải sản...
“Vì nguồn lực có hạn nên phải tập trung vào khâu chính, từ trang trại đến bàn ăn, cần tìm ra những mắt xích quan trọng để tập trung giải quyết triệt để vấn đề” – ông Phát yêu cầu.
Khâu truy xuất nguồn gốc không chỉ dừng lại ở phạt hành chính, theo bộ trưởng nếu cần thiết có thể tính đến việc truy cứu trách nhiệm dân sự, kiểm soát ngược đến toàn bộ lô hàng liên quan để truy tận gốc sự việc. Đây sẽ là công việc trọng tâm từ nay đến cận Tết Nguyên đán và cũng là trọng tâm của VSATTP năm 2013- theo Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Theo Laodong