TPHCM: 103 vụ đình công trong năm 2012

Thứ ba, 25/12/2012, 14:56
Ngày 24/12/2012, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 103/2012/NĐ - CP và Thông tư hướng dẫn số 29/2012 TT-BLĐTBXH về mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc ở doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2012 đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 103 vụ đình công, lãn công. Như vậy so với con số 199 vụ của năm 2011 thì tình hình trên đã giảm gần một nửa và tính chất của những cuộc đình công cũng ôn hòa hơn; bớt gay gắt, ồ ạt như trước.

Những vụ đình công, lãn công chủ yếu liên quan đến vấn đề tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca. Một số trường hợp nằm ở nguyên nhân: nợ lương, tiền thưởng vào dịp cuối năm.
 

đình công

Một vụ đình công giữa năm 2012 (Ảnh: Hoàng Lam) 

Bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công lý giải, thời gian trước đây, người lao động chưa quen với việc nâng lương tối thiểu, chưa hiểu hết ý nghĩa về tiền lương tối thiểu thì có xảy ra những cuộc đình công do các yếu tố tại thời điểm điều chỉnh tiền lương.

Nhưng trong khoảng 2 - 3 năm gần đây, người lao động đã dần quen với việc điều chỉnh tiền lương và họ nhận thức chính xác hơn về ý nghĩa của việc nâng lương tối thiểu nên khi công bố lương tối thiểu vùng thì quan hệ lao động không bị ảnh hưởng nhiều.

Thời điểm hiện nay các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, nên việc báo cáo về tiền lương, tiền thưởng Tết cũng đang diễn ra rất chậm.

Theo quy định của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng từ 1/1/2013. TPHCM áp dụng mức lương tối thiểu vùng I (2.350.000 đồng/tháng), ngoại trừ huyện Cần Giờ áp dụng mức lương tối thiểu vùng II (2.100.000 đồng/tháng).

Bà Nguyễn Thị Dân cho biết, đối với nhóm làm công ăn lương trong các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM thì trên thực tế, mức thu nhập của họ đang hưởng đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ, vì vậy mức độ ảnh hưởng trong vấn đề thu nhập chỉ trong một chừng mực nhẹ nào đó, đặc biệt là các doanh nghiệp đang còn trả lương thấp.

Tuy nhiên, vấn đề thu nhập của người lao động được đảm bảo bởi các yếu tố về lương tối thiểu mà nhà nước quy định và đảm bảo các yếu tố thỏa thuận rồi thì các doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoặc không điều chỉnh mức lương.

Như vậy, nếu thu nhập của người lao động ổn định ở con số họ đang nhận mà giá cả thị trường không ổn định thì người lao động sẽ bị ảnh hưởng.

Khi thu nhập người lao động không tăng mà giá cả thị trường dựa vào công bố lương tối thiểu của nhà nước tăng hoặc có những yếu tố tác động nào đó của vấn đề tăng nhẹ tiền lương tối thiểu vùng mà giá cả thị trường gia tăng thì như vậy, một cách gián tiếp thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng.

“Do vậy, nếu như thu nhập không tăng, người lao động có thể vui lòng chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng người lao động mong muốn Chính phủ có giải pháp giữ cho giá cả được ổn định thì họ yên tâm hơn”, bà Dân nhận định.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn