Anh Quốc (quận 6, TP.HCM) chia sẻ: “Khi mẹ tôi và vợ tôi xảy ra bất hoà, thật sự tôi cảm thấy rối tung lên, không có tâm trí nào để làm việc nhưng phải cố gắng bình tĩnh để giải quyết nó”.
Có thể nói sau khi “đưa nàng về dinh” thì việc đầu tiên làm cho các đấng mày râu phải đau đầu, nhức óc là cân bằng mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nếu mối quan hệ này trục trặc thì chính người đàn ông chịu áp lực nhiều nhất chứ không phải phụ nữ.
Đối với đấng sinh thành, người đàn ông một mặt phải tiếp nhận tất cả các ý kiến về vợ, mặt khác phải tìm cách thay đổi những thái độ tiêu cực không đáng có thành thái độ tích cực.
Bên cạnh đó, đàn ông cũng là người phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” những bực bội, giận hờn của vợ trong quan hệ với mẹ chồng. Nếu như hai người phụ nữ chỉ chịu áp lực từ một phía thì rõ ràng chính người đàn ông ở vị trí trung gian phải gánh chịu cả hai phía.
Tìm ra cách để vừa thoả mãn yêu cầu của vợ mà lại không làm trái ý đấng sinh thành, thật sự không phải việc dễ dàng. Điều này đòi hỏi người chồng phải biết học hỏi, trang bị những kiến thức, kỹ năng… cần thiết để giải quyết mọi tình huống.
Tim bốn ngăn, tình chỉ một
Thể dục thể thao luôn là hoạt động yêu thích của các đấng mày râu. Tuy nhiên, sở thích này đôi lúc làm người phụ nữ khó chịu khi người chồng thân yêu của họ dành quá nhiều thời gian cho nó mà ít quan tâm đến mình. Từ đây, dù ít hay nhiều các đấng mày râu luôn bị cấm đoán khi chơi thể thao.
Điều này đôi khi khiến họ bứt rứt như thiếu đi một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu thì chúng ta lại thấy các đấng mày râu làm như vậy cũng ít nhiều vì vợ con và cuộc sống gia đình.
Thứ nhất, nếu như “tim” chị em phụ nữ chỉ có một ngăn dành cho gia đình thân yêu của mình thì “tim” người đàn ông có đến bốn ngăn: một cho gia đình, một cho sự nghiệp, một cho giải trí và một ngăn cho những lý tưởng. Đó chính là cấu trúc có sẵn trong tâm lý họ.
Do đó, việc họ tham gia các hoạt động thể dục thể thao chỉ là để làm tròn bổn phận của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nam giới có quyền dồn quá nhiều thời gian cho nó mà quên đi bên cạnh mình luôn có một người phụ nữ mỏng manh chờ được chăm sóc.
Thứ hai, để có được một đứa con khoẻ mạnh, ngoài sức khoẻ của người mẹ thì sức khỏe của người cha cũng thật sự cần thiết. Khoa học đã chứng minh nếu trước khi có em bé, chồng và vợ có sự chuẩn bị kỹ về dinh dưỡng, tập luyện thể chất thì xác suất tạo ra một đứa con thông minh, khoẻ mạnh cao hơn gấp nhiều lần so với các cặp vợ chồng khác.
Không biết đẻ nhưng biết đau
Thời gian mang thai có thể xem là một thời kỳ khó khăn nhất của người phụ nữ. Một mặt họ cảm thấy mất tự tin về dáng vóc, màu da, mặt khác họ lại hạnh phúc khi mang một sinh linh bé bỏng trong người. Sự thay đổi về mặt sinh học làm cho người phụ nữ bực bội, hay cáu gắt và đi kèm là các cơn ốm nghén không hẹn giờ…
Chính những điều này làm cho các đấng mày râu trở thành nạn nhân của những than vãn, cáu gắt, của những hành động không ý thức… Nếu chị em thử làm một phép so sánh giữa người có những cảm xúc tiêu cực và người phải hứng chịu những cảm xúc tiêu cực ấy thì sẽ cảm thông hơn đối với sự hy sinh và nỗi lòng của “ông xã”, bởi khi chúng ta đau thì họ cũng đau không kém.
Giây phút “vượt cạn” được xem là giây phút chết đi sống lại của người phụ nữ. Nhiều phụ nữ nói rằng: “Là đàn ông sướng, không phải đẻ”. Điều đó đúng, nhưng mấy chị em phụ nữ biết được rằng trong lúc chờ vợ sanh, người chồng cũng bao lần thót tim thắc thỏm.
Ở các bệnh viện phụ sản, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông ôm túi đồ đi qua đi lại, mắt nhìn chằm chằm vào cánh cửa phòng sinh chờ mong một tín hiệu. Người phụ nữ mất bao nhiêu giờ để sanh thì đó cũng là bấy nhiêu giờ các đấng mày râu phải xót ruột, đau tim và thậm chí không ăn, không uống. Vậy mà nỗi lòng đó chúng ta thường không để ý đến.
Để có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc, đòi hỏi không chỉ sự hy sinh ở người phụ nữ mà còn có sự chịu đựng to lớn của bạn đời. Chính vì vậy, quan niệm cho rằng mình bị thiệt thòi trong cuộc sống gia đình không phải là quan niệm đúng. Người phụ nữ phải luôn có cái nhìn bao dung, cảm thông với nỗi lòng của chồng, tôn trọng chồng và cùng nhau phấn đấu để xây dựng một gia đình tốt đẹp.
Theo SGTT