Kinh hoàng “đặc sản” rượu làng Vân “siêu bẩn”

Thứ năm, 17/01/2013, 13:55
 Các thùng đựng rượu cáu bẩn đặt ngay cạnh chuồng gà, chuồng lợn, chưa kể đến chuyện cơm, sắn để nấu rượu mốc meo hoặc vứt ngay dưới đất bẩn.

Sạch như... “hũ rượu" lớn nhất phía Bắc

Làng Vân (thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian với một nghề truyền thống nổi tiếng là nghề nấu rượu. Với nhiều người, cái tên rượu làng Vân không chỉ tạo được ấn tượng tốt ở vấn đề thương hiệu làng nghề truyền thống mà còn là một trong những món đặc sản thưởng thức mỗi khi gia đình, họ hàng có giỗ chạp hoặc đám cưới hỏi.

Nổi tiếng như vậy nhưng thời gian gần đây, dường như cái tên rượu làng Vân đang tự đánh mất mình vì chính những người trong cuộc.

ruou vang
Một chú gà "vui đùa" cùng cơm làm rượu được phơi dưới nền đất

Trong vai những người khách đi tìm mua rượu ở nơi được mệnh danh: “hũ rượu phía Bắc”, ngay từ đầu làng chúng tôi đã được ngửi thấy mùi đặc trưng đậm chất men, bã rượu sực nức bay ra từ nhiều hộ dân quanh làng. Kèm theo đó là thứ mùi… thum thủm của cống rãnh do nước thải của những nhà nấu rượu đổ ra.

Đập vào mắt chúng tôi là những đống sắn mốc xanh, mốc đỏ - một trong những nguyên liệu để nấu rượu, được đổ bừa bãi dưới nền đất bê tông nhơ nhớp bùn đất. Một người đàn ông tuổi trung niên vẫn đang liên tục dùng bồ cào để cào sắn mốc rồi loay hoay cân đếm. Tất cả mọi thao tác đều toàn bộ bằng tay không, và người nấu rượu thì nện chân đất lên nguyên liệu làm rượu.

ruou ban
Thùng dụng cụ làm rượu của một gia đình làm rượu ở làng Vân

Thắc mắc về các loại sắn mốc đang mốc xanh mốc đỏ đang nằm trên đất kia, một người dân trong làng cười cười cho biết: chỉ cần ngâm vào nước một thời gian ngắn rồi luộc lên cũng trắng phau. Và dĩ nhiên, sau khi trải qua các khâu ủ men, chưng cất thành rượu đóng chai bán ra ngoài thị trường được đóng cái mác rượu quê… sạch như thường (!?)

Mới vào đến đầu làng đã vậy, chúng tôi quyết định đột nhập vào một số hộ nấu rượu ở làng Vân.

Mục sở thị rượu “bẩn” ở làng Vân

Trong vai những người khách đi tìm mua rượu ngon ở làng nấu rượu nổi tiếng khu vực miền Bắc, nhóm phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã chọn một hộ sản xuất rượu tên V vốn có tiếng ở đây.

Ngổn ngang ngay cổng là la liệt các dụng cụ rất mất vệ sinh, thùng ủ men thì máng thành ngấn cáu lại vì lâu không rửa kỹ, các thau, bể nước, nồi cáu bẩn không được cọ, cơm để nấu rượu thì được trải phơi ngay trên nền sân gạch, ruồi nhặng mặc sức vo ve. Đó là chưa kể thi thoảng các chú gà… hứng chí có thể “bậy” ra bất kì lúc nào lên các loại nguyên liệu, thùng bè để nấu rượu.

Mặc vẻ giật mình run sợ của khách, chủ hộ hăng hái huyên thuyên khẳng định rằng rượu của nhà mình là “chuẩn nhất, ngon nhất, rẻ nhất” ở làng Vân với giá dao động từ 25 – 45.000 đồng/l.

ruou vang
Cơm nấu rượu được phơi trên bao tải trên nền đất bẩn

Để cảm nhận được cụ thể hơn về độ bẩn về rượu làng Vân, chúng tôi quyết định vào thêm vài nhà sản xuất rượu khác. Lần này, chúng tôi đi tìm mua rượu nặng vài chục lít để về ngâm động vật. Rất niềm nở, chủ một hộ sản xuất rượu ra giá “rượu ngon, rượu xịn không có cồn” từ 35 – 45.000 đồng/l.

Tuy nhiên, cũng một cảnh tượng quen thuộc làm chúng tôi thoáng rùng mình là những thứ dụng cụ rất mất vệ sinh và bẩn thỉu chuyên dụng đang vứt chỏng chơ dưới đất kia. Dường như mọi công đoạn để sản xuất rượu ở làng Vân vẫn còn khá thô sơ và chủ yếu dùng tay chân “vần vò”.

Sau một hồi lân la hỏi thăm giá cả, người đàn ông là chủ hộ sản xuất rượu ở làng Vân kia đã nhận ra điều gì đó khả nghi nên quyết định “chào tạm biệt” chúng tôi bằng những câu nói khá tục tĩu.

ruou vang
Thùng đựng rượu và thùng rác "nằm kề bên nhau"

Khác hoàn toàn so với những hộ nấu rượu trước mà chúng tôi từng vào, hộ sản xuất rượu của người phụ nữ tên T. này có vẻ “sạch sẽ” hơn khá nhiều.

Tưởng chừng như đã đãi cát tìm được… vàng giữa những hộ sản xuất rượu rất mất vệ sinh ở làng Vân thì chúng tôi lại sốc nặng khi bắt gặp hình ảnh những chiếc can đựng rượu mà bà chủ chỉ cho chúng tôi để ngay cạnh chuồng gà hôi hám với phân gà rơi vãi đầy dưới đất và đống than bùn. Đó là chưa kể khu nấu rượu cũng được kết hợp liền kề với một chuồng lợn nằm ngay cạnh bốc mùi khai, mùi thối nồng nặc.

Mặc dù mất vệ sinh như vậy nhưng dường như các chủ hộ sản xuất rượu này vẫn không mảy may quan tâm về vấn đề vệ sinh an toàn. Thậm chí, các hộ nấu rượu mà phóng viên đã ghé qua đều một mực khẳng định rằng rượu nhà mình là “sạch, ngon và rẻ” nhất.

Rời làng Vân, chúng tôi không khỏi “hoang mang” vì liên tưởng đến cảnh các loại rượu quê xuất xứ ở làng Vân đang có mặt ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận vẫn được cánh sành uống, sành chơi săn tìm (!?)

Trước đó, từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định các loại rượu đều phải có nhãn mác, hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép. Trường hợp không có giấy phép bị cấm lưu hành.

Nghị định 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm dán nhãn, trường hợp bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi sản xuất.

Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.


Theo GDVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích