Góp ý sửa đổi hiến pháp 1992: Nữ nông dân nêu vấn đề thiết thân

Thứ năm, 21/02/2013, 08:48
Chiều muộn ngày 19.2, dù ở xã Ngọc Xá (Quế Võ, Bắc Ninh), mùa đổ ải bắt đầu sớm, ai cũng hối hả lao động cho kịp với lịch xả nước, thế nhưng 100% số chị em phụ nữ vẫn hăng hái đến dự buổi họp góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Buổi góp ý này do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp với UBND xã Ngọc Xá và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Võ tổ chức.

Sửa đổi Hiến pháp
Phụ nữ nông dân rất quan tâm đến vấn đề quản lý đất sản xuất (ảnh minh họa).

Nhiều chị em cho biết, trước đây, họ không hề quan tâm tới việc xây dựng luật và thi hành luật. Với họ, Hiến pháp là một khái niệm “ở trên trời” và không nghĩ mình cũng có thể tham gia góp ý.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Xá bày tỏ: “Chúng tôi giúp chị em tiếp cận dần bằng cách đưa việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm nội dung thảo luận trong các buổi sinh hoạt phụ nữ tại địa phương và định hướng cho chị em góp ý các điều khoản liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới”. Tuy nhiên, nhiều chị em có mối quan tâm rộng hơn, góp ý vào các vấn đề thiết thân nhất tới đời sống của họ”.

Chính vì vậy, tại hội thảo, các chị tranh luận, góp ý rất nhiệt tình các điều khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các điều khoản trong Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Đặc biệt, chị em rất lưu tâm đến Điều 57 và 58 về đất đai. Theo bà Nguyễn Thị Quyên (60 tuổi), xã Ngọc Xá là địa phương điển hình với nhiều dự án khu công nghiệp.

Tâm sự sau buổi họp, ông Hoàng Ngọc Phà - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Xá nói: “Phụ nữ chính là hạt nhân quan trọng trong mỗi gia đình, xã đã chỉ đạo tập trung lấy ý kiến người dân và đặc biệt là của phụ nữ góp ý cho Hiến pháp. Chị em sẽ có các góp ý thiết thực, đồng thời cũng hiểu biết về pháp luật hơn”.

“Chị em chúng tôi và người dân sẵn sàng chịu thu hồi đất theo quyết định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu hồi đất hiện nay có quá nhiều bất cập. Đất thu hồi làm khu công nghiệp nhưng sau đó bỏ hoang, không xây dựng công trình khiến nhiều người dân không có đất để canh tác.

Quy hoạch thì loang lổ nên đất nông nghiệp còn lại cũng không thể canh tác được vì nhiều dịch hại, vì hệ thống thủy lợi bị phá vỡ...

Không những thế, có nhiều trường hợp đền bù không thỏa đáng, thời gian chi trả kéo dài khiến nhiều hộ gặp khó khăn trong sản xuất và kinh tế. Chúng tôi mong rằng, Điều 57, 58 về đất đai sắp tới phải giải quyết được bất cập này” - bà Quyên nói.

Ngoài ra, các nữ nông dân cũng kiến nghị nên quy định rõ, nếu đất đai đã thu hồi mà không có phương án sử dụng hợp lý thì trả lại cho người dân theo những phương án thích hợp.

Theo bà Nguyễn Thu Thúy - Phó Giám đốc CSAGA, khi bắt đầu chương trình, tiếp cận với phụ nữ nông thôn, trung tâm nhận thấy hầu hết các chị đều không biết Hiến pháp là gì, chưa thực sự nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình.

“Việc tổ chức những buổi họp lấy ý kiến như thế này đã giúp chị em được đóng góp tiếng nói, chia sẻ những câu chuyện của mình. Đây còn là những viên gạch đầu tiên trong tiến trình khuyến khích chị em tham gia góp ý chính sách, pháp luật. CSAGA và mạng lưới xã hội dân sự sẽ tổ chức hội thảo và trao đổi lại những ý kiến này với Quốc hội” - bà Thúy nói.

Ngày 20.2, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã trao đổi với báo chí về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012.

Theo ông Sơn, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tổng hợp tất cả các ý kiến của các bộ, các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo cho Chính phủ về việc lấy ý kiến tham gia dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngoài ra còn phải tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn