Hơn 30 năm qua, bộ rễ vững chãi của "thần bồ đề" bao chặt lấy thân đình. Trải qua nhiều thế kỷ cùng bao nắng dãi mưa dầm, mái đình vẫn hiên ngang sừng sững giữa đồng không mông quạnh. Vì lẽ thần kỳ ấy và sự linh thiêng trong đức tin của người dân nơi quê nghèo này nên mọi người thường nhắc nhở nhau “ngang đình ngả nón ra chào, chẳng may thất kính về nhà thất kinh”.
Đình thiêng...
Tôi viếng đình Tân Đông vào một trưa tháng giêng, nắng hanh gió lộng, khu đất đình tọa lạc nằm giữa mênh mông cánh đồng trơ cỏ cháy. Phía trước cổng đình đã hoang phế, dưới gốc cây me cổ thụ, người dân ấp Gò Táo thường chọn làm nơi nghỉ trưa, uống ly trà đá, kể chuyện đồng áng, làng xóm.
Dù ngôi đình xuống đã cấp, nhưng người trong làng trong ấp tuyệt nhiên không ai dám vào sân đình hoặc vào chánh điện quấy phá, nghỉ ngơi. Những người đi làm đồng chỉ dám ghé vào nghỉ trưa ở mấy hàng cây cổ thụ trước cổng đình. Họ trò chuyện nhẹ nhàng, ý tứ, không bao giờ dám cười to la lớn trước nơi tôn kính.
Cận cảnh bộ rễ chằng chịt của bồ đề cổ thụ.
Cô Bảy Hiền thường đi nhổ cải thuê hay nghỉ trưa trước cổng đình Tân Đông kể chuyện: "Đình này linh thiêng lắm, đàn bà ở trong xóm không dám vào đình đâu. Chỉ dám vào khi có dịp lễ. Những ngày lễ hội còn dám đến viếng chứ bình thường chỉ có người trông giữ đình thắp nhang, quét dọn. Người nào có điều cần cầu khẩn mới đánh liều vào. Đình này hay lắm, cầu gì được nấy nhưng ai vô ý vô tứ làm điều xằng bậy là bị quở trách bệnh nặng khó chữa".
Mấy chị ngồi nghỉ trưa dưới gốc me cổ thụ cũng dồn dập lên tiếng: "Tụi tôi ở đây nhưng chưa dám vào đình lần nào, đi ngang đình còn phải cúi đầu chào, không chào về nhà bệnh liệt giường, phải ra đây thành tâm hối lỗi mới mong khỏi bệnh".
Ông Phan Văn Đời, Trưởng ban phụng sự di tích lịch sử-văn hóa đình Tân Đông bùi ngùi nhớ lại: "Dù năm nay đã 75 tuổi nhưng tôi vẫn nhớ như in cái thời ngôi đình còn đầy đủ. Những dịp lễ Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền và lễ cầu Ông, người ở cách xa hơn chục cây số cũng lội bộ đến giành chỗ xem hát tuồng, thành khẩn theo từng nghi thức cúng bái. Mỗi lần lễ tổ chức hai ngày, dân trong làng họp nhau nấu ăn linh đình, mời các đoàn hát bội ở khắp nơi về kèn trống thâu đêm suốt sáng".
Đến thời kháng chiến chống Pháp, đình Tân Đông trở thành nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Ngôi đình nức tiếng linh hiển nên không tên lính của giặc ngoại xâm dám bước chân vào lục xét. Thế nhưng, sang giai đoạn đánh Mỹ, đình Tân Đông bị biến thành nơi giam giữ, tra khảo, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng.
Trong thời gian này, đình bị xuống cấp nhanh chóng do không được tu sửa. Do vậy, hai năm đầu hòa bình vừa lập lại, người dân ít tới viếng đình cũng như dừng hẳn các hoạt động cúng đình thường niên. Sau giải phóng, cuộc sống người dân địa phương còn quá nhiều khó khăn, thêm nữa, đây lại là nơi máu của con em cách mạng đổ xuống nên ít người muốn đến, để tránh khơi lại nỗi đau quá khứ.
Sau hai năm bị bỏ hoang, ông Đời bàn với vợ làm thịt hai con gà đem ra đình hương khói lại. Từ đó, ngày ba lần, ông Đời ra đình thắp nhang rồi quét tước, nhổ cỏ dại mọc quanh đình. Đình vốn nổi tiếng linh hiển, thời gian người dân bỏ bê không cúng bái liền ứng với thiên tai, dịch bệnh xảy ra triền miên.
Ngoài ra, nhiều người đến đình thành tâm khấn nguyện nên dịch bệnh qua khỏi khiến tiếng lành đồn xa. Vì thế, người dân quyết định đến kỳ phải tiến cúng để thần ở đình phù trợ cho mưa thuận gió hòa, thiên tai dịch bệnh lùi xa.
Các bậc cao niên ở ấp Gò Táo cho biết, đình Tân Đông đã có mặt trên vùng đất này hơn 100 năm qua, dựa theo số năm được khắc trên tường cửa chính thì đình được xây dựng hoặc trùng tu năm 1907. Nhiều người thắc mắc không hiểu năm 1907 là năm xây dựng hay trùng tu đình nhưng kể ra con số này cũng đáng để người dân trong vùng tự hào về giá trị lịch sử -văn hóa của nó.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, đình Tân Đông có lối kiến trúc, hoa văn, họa tiết khắc nổi đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn. Hiện, các dấu tích hoa văn tinh xảo chạm khắc trên đình dù trải qua bao biến cố vẫn còn lại trên các cột, kèo, bao lam,...
Về thời điểm xuất thân của ngôi đình, nhiều bậc cao niên nhận định: Ngôi đình phải có từ thời vua Minh Mạng bởi trước đây những người già trong làng vẫn còn thấy tờ sắc phong Thành hoàng bổn cảnh, nhằm khôi phục uy danh cho vị Tả quân Lê Văn Duyệt, người có công lớn trong công cuộc phục ngôi của vua Gia Long và quá trình khai phá xây dựng miền Nam.
Thế nhưng, tờ sắc phong này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khiến không ít người dân bức xúc. Hiện nay, đình không thể tu sửa một phần cũng do không biết gốc tích, không biết rõ thờ vị thần, hay công thần nào.
Bên trong ngôi đình tan hoang, đổ nát.
và “hộ pháp thần bồ đề”
Ngôi đình hoang tàn với những viên ngói ngả màu thi nhau rơi xuống đất bỗng trở nên linh thiêng hơn, khi xuất hiện cây bồ đề, mà người dân nơi đây coi đó là "thần bồ đề". Cách đây 30 năm xuất hiện cây bồ đề ở đình. Cây bồ đề lớn nhanh như thổi, buông bộ rễ hoành tráng phủ dày trước phần chánh điện, giữ bức tường không cho nó đổ sụp xuống.
Ngôi đình có tất thảy, ba cây bồ đề giăng rễ giữ phần mái đình không sập xuống và một cây con vừa mọc ở phía phải phần hậu hiền của đình. Những cây này đều mọc ra từ mái đình, mọc lần theo các vách tường cắm rễ xuống lòng đất, tạo bộ khung vững chãi.
Cổng đình gãy đổ, bức bình phong sạm đen, phần võ ca (phần nhà trước nơi thường làm sân khấu và các nghi thức cúng lễ) và hậu hiền (phần sau chánh điện) đã hư hỏng nặng gần như không còn, chỉ còn phần chánh điện, nơi đặt bàn thờ sắc lệnh vua ban chằng chịt rễ bồ đề làm khung tựa.
Khoảng năm 1990, một cây bồ đề mọc phía bên phải mái đình bị một số người đến gỡ về làm cảnh. Chẳng hiểu sao, những người sống quanh đình đều nằm mộng và sáng sớm ra đình can ngăn mấy kẻ tham lam nhờ phát hiện kịp thời nên giữ lại được hai cây. Hai cây bồ đề được người dân giữ lại và canh chừng cẩn thận.
Với người dân nơi đây, bồ đề được xem như hai cây thần vừa canh gác đình vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt, gió bão triền miên.
Dù rễ bồ đề không to nhưng vẫn giữ khư khư được mái đình trong lòng, chứ như các cột, rường to hơn thân người, được làm bằng gỗ quý đã mục rã hoàn toàn, không còn kết nối. Mái đình thủng lỗ chỗ, ngói lưa thưa nhưng nhờ bóng bồ đề mà mát rượi từ trước ra sau. Bàn thờ ở chánh điện chỉ còn hai cái nguyên vẹn, đầy đủ họa tiết trang trí, còn bàn thờ bên phải đã bị đập phá từ lâu, vừa được dân dùng gạch xây lại sơ sài.
Những người như ông Đời gửi hết niềm tin vào ngôi đình Tân Đông ngày nào cũng mất ăn mất ngủ, lo lắng cái ngày mấy cây bồ đề không giữ nổi đình sẽ đến. May mắn lắm, ngôi đình cũng chỉ còn sót lại phần chánh điện sau mùa mưa bão năm nay đang đến gần. Cả mái đình nép dưới tán và rễ bồ đề có màu rêu phủ từ lâu, chỉ có tấm sắc lệnh nền đỏ chữ vàng mới được đưa vào hai năm trước trong dịp tổ chức lễ trao bằng di tích cấp tỉnh vào tháng 12/2010 là còn hài hòa, màu sắc tươi tắn.
Người dân ấp Gò Táo mong chờ Nhà nước cấp tiền cho địa phương trùng tu hoặc xây dựng lại đình Tân Đông. Chính nhân dân nơi đây cũng tự vận động nhau, góp công góp của để xây dựng lại biểu tượng văn hóa-lịch sử của địa phương nhưng số tiền nhỏ nhoi ấy không đáng là bao. Câu chuyện giữa trưa của mấy chị em đi nhổ cải cũng không quên nhắc đến việc: Nghe đâu Nhà nước cho tiền rồi mà giờ không xác định được đình thờ ai nên chưa dám xây dựng, phải đợi mấy nhà nghiên cứu nữa.
Trong thời gian chờ đợi ấy, mọi hy vọng giúp đình đứng vững chỉ dựa trên bộ rễ bồ đề đã lốm đốm lỗ mọt, mối khoét. Và liệu khi được tu sửa, đình xưa còn giữ được gốc bồ đề cũ có công giữ đình?
Kinh phí trùng tu đình cổ phải là tiền tỷ Ông Phạm Văn Bé, phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: "Hiện nay, kinh phí để trùng tu ngôi đình lại đầy đủ như xưa phải là tiền tỷ, hay ít nhất việc gia cố để đình không bị sập cũng phải gần 600 triệu. Nhưng di tích cấp tỉnh thì huyện lo, chứ ngân sách của tỉnh không thể cân đối để hỗ trợ được phần này. Huyện đã có chủ trương cho xã Tân Đông vận động mạnh thường quân đóng góp giữ đình. Muốn đề xuất đình Tân Đông thành di tích quốc gia thì cũng phải còn đầy đủ, chứ đằng này nó sắp sập rồi...". |
Theo Nguoiduatin