Đây là kết quả một nghiên cứu do Học viện quốc gia về chiến lược kinh tế, thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc thực hiện. Theo đó, các đô thị loai 1 của nước này, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đều không được xếp vào nhóm thành phố “có thể sống được” cho dù nằm trong Top 10 về lợi thế thương mại hay phát triển văn hóa.
Bắc Kinh thường xuyên bị khói bụi ô nhiễm tấn công
Chỉ có 2 thành phố loại 1 là Hong Kong và Macao được xếp vào nhóm những thành phố sống tốt nhất.
Theo bản báo cáo này, Bắc Kinh dẫn đầu về nguồn lực chất xám và môi trường trí tuệ, xếp thứ hai về môi trường kinh doanh và bền vững, xếp thứ ba về văn hóa. Thế nhưng thành phố này chỉ đứng hạng 74 về nơi sống tốt và hạng 119 về môi trường sinh thái.
Huang Hui, một kỹ sư phần mềm 27 tuổi người Bắc Kinh cho biết anh thấy bản báo cáo này có tính “khách quan”. “Bắc Kinh dẫn đầu về y tế hay nguồn lực chất xám so với các thành phố khác nhưng rõ ràng không phải lựa chọn tốt nhất khi xét trên tiêu chí phù hợp để sinh sống”, Huang nói.
“Tôi tự hào về sự đa dạng văn hóa của thành phố này, nhưng thật đáng tiếc là Bắc Kinh đã hy sinh những yếu tố cơ bản thiết yếu nhất là nước và không khí chỉ để đổi lấy sự phát triển nhanh”, vị kỹ sư trẻ nói tiếp.
Theo tờ China Daily, trong thập kỷ vừa qua, các thành phố khắp Trung Quốc đã phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề, từ nạn tắc đường trầm trọng thêm đến áp lực về nhà ở và các vấn đề an toàn thực phẩm.
Li Guangquan, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cho biết mục tiêu cuối cùng của tính cạnh tranh đô thị phải là vì lợi ích của cư dân đô thị.
Tuy nhiên, nhiều thành phố loại một, dù có tính cạnh tranh nổi bật, hầu như không chú ý tới người dân và hiếm khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái, ông Li nói.
Giá nhà cao ngất ngưởng cũng là một trong những lí do chính khiến các thành phố ngày càng bị xem là “không thể sống nổi”, bên cạnh chất lượng không khí kém và ách tắc giao thông, chuyên gia này khẳng định.
Theo Dantri