Đề nghị Thủ tướng đứng đầu Ban chỉ đạo chống khủng bố

Thứ tư, 22/05/2013, 09:09
Phiên thảo luận sáng 21/5 đã ghi nhận nhiều ý kiến tán đồng việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố từ trung ương tới địa phương.

Sáng 21/5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật Phòng, chống khủng bố. Dự luật này từng được thảo luận tại kỳ họp trước, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, dự thảo được điều chỉnh theo hướng khi được cấp có thẩm quyền phân công thì người chỉ huy chống khủng bố có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu, đề xuất, chỉ huy thực hiện. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ huy được phép áp dụng một số biện pháp đặc biệt mà không làm ảnh hưởng tới chính trị, ngoại giao, xâm phạm đến tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản có giá trị đặc biệt.

chống khủng bố
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa. Ảnh: N.Hưng.

Khi chưa có người chỉ huy chống khủng bố được cấp có thẩm quyền phân công thì người có trách nhiệm xử lý (bao gồm người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, UBND nơi xảy ra khủng bố) cũng được phép áp dụng một số biện pháp khẩn cấp nhất định. Trong mọi trường hợp, những người trên đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Bàn về quy định này, đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng, trong trường hợp cấp bách mà đòi hỏi phải cân nhắc xem làm nhiệm vụ thì có ảnh hưởng đến chính trị hay ngoại giao không sẽ dẫn đến hai trường hợp. Một là cán bộ, chiến sĩ do dự không dám làm vì sợ trách nhiệm; hai là làm thì sau này sẽ quy trách nhiệm theo ý thức chủ quan là chính trị hay ảnh hưởng ngoại giao...

"Không khéo chúng ta chống khủng bố còn yếu hơn cả tội phạm hình sự thông thường. Phát hiện phạm tội quả tang, công dân nào cũng có quyền bắt, còn ở đây khẩn cấp mà chúng ta lại quy định như thế tôi thấy không đảm bảo an toàn pháp lý cho những người thừa hành", ông Hồng phân tích.

chống khủng bố
Đại biểu Nguyễn Minh Kha. Ảnh: TTXVN.

Về Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, đại biểu này nêu quan điểm không cần thành lập mà có thể nâng cấp, kiêm nhiệm từ hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với lý do thành phần của HAI tổ chức này giống nhau, nên để kiêm nhiệm thì hoạt động sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quan điểm của ông Hồng không được một số đại biểu tán đồng.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha, các hoạt động khủng bố trên thế giới ngày càng gia tăng, vì thế không thể loại trừ nguy cơ này ở Việt Nam. Ông Kha và một số đại biểu tán thành với đề xuất lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cả ở trung ương và cấp tỉnh thành.

Ban chỉ đạo trung ương sẽ do Thủ tướng đứng đầu, cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Lực lượng phòng chống khủng bố bao gồm công an, quân đội. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn còn nhấn mạnh, ban phải hoạt động thường xuyên với chức năng, quyền hạn phải luật hóa.

Một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn vai trò của quân đội trong phòng, chống khủng bố. Bởi, quy định như trong dự thảo luật còn chung chung, mờ nhạt, chưa đầy đủ, nhất là chức năng và nhiệm vụ của bộ đội biên phòng.

Trong dự thảo luật, các hành vi "tài trợ khủng bố" cũng đã được bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội ở kỳ họp trước. Ngoài vấn đề tiền bạc, công nghệ, con người, các dạng hỗ trợ khác như hỗ trợ tinh thần, kinh nghiệm, công cụ, phương tiện hoặc một số loại vật chất khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố; một số loại hình thức hỗ trợ khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố như hướng dẫn, giúp sức, cung cấp... đều được coi là hành vi "tài trợ khủng bố".

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết đa số các ý kiến đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố nhưng cần bổ sung làm rõ thêm thành phần Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, vai trò thường trực của Bộ Công an, của công an cấp tỉnh.

Trên cơ sở thảo luận ông Sơn cho biết, Ủy ban Thường vụ sẽ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn