"Năm nào cũng có trên 3.500 trẻ em bị chết đuối"

Thứ tư, 22/05/2013, 14:23
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ em như tai nạn giao thông, bỏng, tai nạn bom mìn và các vật liệu nổ gây ra thì tai nạn về đuối nước vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em.

Chỉ trong gần một tháng qua, cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Ngày 15/5 vừa qua, dư luận rúng động về việc 4 học sinh lớp 6 ở Đắk Lắk tử vong trên hồ nước thuỷ điện Serepok.

Những tai nạn thương tâm

Sáng sớm 14/5, người dân bàng hoàng khi nghe tin hàng chục em học sinh lớp 6 ở Buôn Đôn, Đắk Lắk có thể bị chết đuối trên dòng sông Serepok. Rất may, cuối ngày, theo thông báo của UBND tỉnh, chỉ có 4 em học sinh thiệt mạng. Trước đó, em Nguyễn Văn Nam học sinh trường PTTH Đô Lương (Nghệ An) cũng đã thiệt mạng do cố gắng cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối.

Nhớ lại sự việc thương tâm khiến 4 em chết đuối ở Đắk Lắk, buổi sáng hôm đó, có khoảng 20 em học sinh lớp 6 của trường Hồ Tùng Mậu vào khu vực hồ chứa nước thủy điện Serepok 4 chơi. Đến khoảng 10h sáng, nhà trường và người dân địa phương nhận được tin có nhiều em bị lọt xuống khu vực lòng hồ, đoạn gần sông Serepok nên lập tức tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn. Đến 12h trưa, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy xác của 4 em tử nạn và một em bị thương nặng.

Sáng 15/5, tại khu sinh thái Cánh buồm xanh (xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ chết đuối thương tâm. Nạn nhân là hai cháu gái, gồm: Nguyễn Thùy Dương (6 tuổi), Nguyễn Thị Thùy Dương (7 tuổi), cùng trú tại xóm 7, xã Ninh Hiệp.

Anh Nguyễn Viết Khởi, công nhân làm việc trong khu sinh thái cho biết, khi anh đang làm việc thì nghe tin có hai đứa trẻ bị rơi xuống hồ nước ở khu vực cầu gần chuồng khỉ. Anh Khởi chạy vội và nhảy xuống hồ tìm kiếm. Phải mất một thời gian, anh mới đưa được hai đứa trẻ lên khỏi mặt nước, tuy nhiên hai bé đã tử vong.

tre em

Đuối nước ở trẻ đã trở thành vấn nạn (ảnh minh họa - nguồn Internet)

Mới đây nhất, vào lúc 9h sáng 18/5, 8 em học sinh ở phường Thốt Nốt (Cần Thơ) đi đá bóng về, trời nắng quá nên các em xuống hồ nước gần nhà để tắm. Vì không biết bơi nên các em đã bị đuối nước. Nghe tiếng kêu cứu, ông Nguyễn Văn Thống  nhảy xuống ao kéo được một bé trai lên bờ. Nạn nhân thoát chết cho biết còn 3 bạn đuối nước nên ông Thống tri hô để hàng xóm nhảy xuống hỗ trợ.

Gần 5 phút lặn mò dưới ao rộng gần 2.000 m2, người dân đã đưa em Đoàn Minh Tuệ, Đoàn Quốc Anh và Nguyễn Văn Quang (cùng 8 tuổi) lên bờ trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Được người dân hô hấp nhân tạo nhưng Tuệ và Anh đã tử vong, còn Quang được chuyển vào bệnh viện cấp cứu do có dấu hiệu sống. Tuy nhiên, do đuối nước lâu nên mạch máu bé Quang ngừng lưu thông, não và nội tạng của bé bị tổn thương nặng, phải thở máy.

Theo báo cáo của cục Bảo vệ Trẻ em, bộ LĐ-TB&XH, trong các loại hình tai nạn thương tích mà trẻ em dưới 18 tuổi đã gặp thì đuối nước là tai nạn chủ yếu. Cũng theo báo cáo trên, từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng có trên 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do các tai nạn thương tích. Năm nay, tuy mới chớm hè nhưng rất nhiều em thiệt mạng do đuối nước.

Những cái chết thương tâm như thế này chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng việc quan tâm đến trẻ, đến môi trường mà các em đang vui chơi, sinh sống.

Chú trọng phòng tránh đuối nước cho trẻ

Ông Trần Hữu Quyền, PGĐ sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, giám đốc quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Bình Phước, một trong những địa phương có số trẻ em đuối nước khá cao cho rằng nguyên nhân chính là do có nhiều sông ngòi, diện tích mặt nước vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Mặt khác, các vụ đuối nước chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn, nơi được xem là bố mẹ vẫn chưa quan tâm nhiều đến con cái.

Biết bơi không đủ đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và học sinh. Bằng chứng là nhiều người lớn, khỏe mạnh, bơi giỏi vẫn bị chết đuối nếu lơ là, chủ quan. Vì thế, cần có những biện pháp khác nữa để dạy các em cách bảo vệ mình.

Trước vấn nạn đuối nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa ngay chương trình dạy bơi vào các trường học, tuy nhiên trao đổi với PV về vấn đề này, TS. Phạm Anh Tuấn, giám đốc trung tâm E - Bơi Hà Nội cho rằng, không phải nơi nào cũng có điều kiện để dạy bơi cho học sinh, nhất là ở vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa.

Theo TS. Tuấn, trong điều kiện chưa thể đưa bơi lội vào trường học, để giảm thiểu tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh, các bậc phụ huynh cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng tránh như trông nom cẩn thận trẻ nhỏ; loại bỏ mặt nước hở nguy hiểm bằng cách đậy nắp bể cá, cống rãnh, rào kín ao hồ xung quanh nhà…; cảnh báo về "mặt nước hở nguy hiểm" bằng cách cắm biển báo ở những nơi nước sâu, hồ nước nguy hiểm; giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ nhỏ…           

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn