Dự án thủy điện Ea Súp 3 được khởi công xây dựng từ năm 2009, công suất thiết kế 6,4 MW, với tổng kinh phí khoảng 68 tỉ đồng, do Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà (31 Lê Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.
Dự án thủy điện Ea Súp 3 được thiết kế gồm hồ chứa nước và hệ thống máng dẫn nước, bể áp lực và ống dẫn nước vào tuôcbin. Cuối tháng 5 vừa qua, khi thử vận hành nhà máy thì bất ngờ vách của bể áp lực dài hơn 50m bị đổ vỡ.
Nhiều đoạn trên kênh dẫn nước bị rò rỉ, nước chảy thành dòng. |
Bể áp lực không chịu được... áp lực
Ngày 13/6, các công nhân, kỹ sư Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 gấp rút khắc phục sự cố vỡ bể áp lực để chuẩn bị cho đợt chạy thử tiếp theo. Một công nhân làm việc tại đây cho biết ngày 26/5 vừa qua, nhà máy đang chạy thử thì 50m thành bể áp lực đột ngột đổ sụp, nước tràn lênh láng. Công nhân này cho biết thêm trước đó bể áp lực này cũng từng vỡ một lần nhưng nhanh chóng được vá lại.
Ông Lê Ngọc Quý, chỉ huy trưởng đội xây dựng cơ bản của Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà, cho biết khi nhà máy chạy thử 75% công suất, đưa điện lên lưới điện quốc gia thì gặp sự cố: “Việc vỡ bể áp lực là do đóng nước đột ngột tại nhà máy khiến nước từ ống dẫn nước dồn lên bể áp lực và nước trong máng dẫn vẫn dồn về tạo ra một áp lực rất lớn khiến bể áp lực vỡ toang”.
Ông Quý nói thêm: “Việc vỡ bể áp lực là do trước bể áp lực được xây quá cao (hơn 7m) và lượng đất đổ vào giữ chân bể (phía ngoài) quá lớn, trong khi đó áp lực nước phía trong rất mạnh”.
Khi được hỏi tại sao bể áp lực mới được sửa vẫn rất mỏng manh, chỉ bằng hai vách bê tông dày 20cm/vách liệu có chịu được áp lực nước, ông Quý khẳng định tường bê tông này chịu được áp lực của nước, có độ an toàn cao.
“Đúng thiết kế thì bể áp lực có bờ dày, phía trong lòng bể có hình thang, phía ngoài đắp thêm đất, nhưng để rút ngắn tiến độ, chúng tôi mới đổ bê tông thẳng đứng và độ dày bể mỏng như vậy” - ông Quý nói...
Không báo cáo sự cố
Ngoài bể áp lực đang được khắc phục sự cố thì hệ thống máng dẫn nước của nhà máy này cũng đang gặp... sự cố. Đi dọc hệ thống máng dẫn nước dài 2,1km này, chúng tôi phát hiện nhiều đoạn bị rò rỉ nước rất mạnh. Có những đoạn hàng trăm mét đều có điểm rò rỉ, nước chảy thành dòng và gây xói mòn từng mảng bê tông.
Đáng chú ý nhiều đoạn tường của kênh dẫn nước bị nứt, rò rỉ đã được trám lại bằng ximăng nhưng vẫn xuất hiện thêm nhiều điểm nứt, rò rỉ mới. Một số đoạn máng dẫn nước lộ thiên bị rò rỉ đã được dùng cát, đá đắp lại để tránh xói mòn nhưng nước vẫn chảy thành vũng, thành dòng...
Khi chúng tôi muốn được thăm nhà máy thì ông Quý không đồng ý vì phải được sự đồng ý của giám đốc công ty. Đến công ty thì giám đốc đi vắng, điện thoại không liên lạc được.
Một chuyên gia ngành điện cho biết: đối với các nhà máy thủy điện sử dụng hệ thống máng dẫn nước về để chạy máy thì thường phải xây một bể áp lực phía trên ống dẫn nước vào tuôcbin. Việc xây bể áp lực nhằm tạo ra áp lực nước và đề phòng sự cố rã lưới điện đột ngột.
Chuyên gia này giải thích thêm: nếu sự cố rã lưới xảy ra, van nước trước tua-bin phải đóng ngay để đảm bảo an toàn, nước từ ống dẫn nước sẽ bị đẩy ngược lên bể áp lực thoát ra ngoài để đảm bảo an toàn cho đường ống và nhà máy.
Việc vỡ bể áp lực của Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 có thể do chủ đầu tư chưa tính toán hết độ an toàn khi vận hành mà gặp sự cố...
Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà chưa có báo cáo về sự cố vỡ bể áp lực của nhà máy thủy điện Ea Súp 3 và sở sẽ cho kiểm tra ngay.
Theo Tuoitre