Dân chỉ được xây nhà một tầng tại Đường Lâm

Thứ sáu, 14/06/2013, 11:33
Trung tâm Đường Lâm sẽ là khu vực bảo tồn chặt chẽ, người dân không được xây nhà hai tầng. Những ngôi nhà có giá trị sẽ được bảo tồn và giãn dân.

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến về phương án quy hoạch bảo tồn, phát huy di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ngày 13/6, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đưa ra các phương án bảo tồn trọn vẹn cấu trúc của năm thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh.

Khu vực trung tâm là thôn Mông Phụ cần giữ trọn vẹn cấu trúc thôn, cho phép người dân xây dựng nhà một tầng, giữ lại đình chùa, miếu và cải tạo con đường lát gạch. Một số hộ xây nhà hai tầng từ trước khi di sản được công nhận sẽ có phương án xử lý để trở về không gian di tích gốc. Những nhà có giá trị hoàn chỉnh hoặc nhà có di tích gốc là nhà chính, nhà phụ đã biến đổi cần có chính sách bảo tồn gấp và giãn dân.

Bốn thôn còn lại cũng có nhiều giá trị nhưng không đủ khả năng bảo tồn nguyên gốc. Do vậy, người dân tại đây được xây dựng hai tầng, kiến trúc truyền thống là mái ngói, khuyến khích trồng cây xanh phía trước công trình, không sơn màu sặc sỡ, không để bình inox trên mái.

Những nhà xây hai tầng phải có khoảng lùi với các ngôi nhà được xếp hạng ở đường liên thôn và liên xã 8-15m, trong ngõ sâu tối thiểu là 3m. Nhà xây hai tầng nhưng không được chia nhỏ đất, khống chế chiều cao hai tầng là 10,2m. Những nhà đã xây ba tầng được kiến nghị hạ thấp còn tối đa hai tầng.

làng cổ Đường Lâm
Một hộ dân xây nhà hai tầng ở Đường Lâm bị cắt ngọn, song cạnh đó nhiều ngôi nhà tầng khác vẫn mọc lên. Ảnh: Hoàng Hà

Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Bảo tồn di tích, đề xuất trong quy hoạch có mâu thuẫn so với yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, xây dựng một tầng không quá khó vì có thể mở rộng diện tích mặt bằng khu đất để đáp ứng nhu cầu sống của người dân. Ngôi nhà cổ đặc biệt chỉ chiếm 9%.

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, theo Luật Di sản thì khu vực 1 không được phép xây nhà hai tầng, nhưng cơ quan chức năng phải giúp người dân giải quyết bức xúc về chỗ ở, cải thiện đời sống sinh hoạt, có thể mở rộng diện tích xây dựng hoặc có kế hoạch giãn dân.

GS Lê cho rằng, điều quan trọng nhất là muốn bảo tồn được làng cổ Đường Lâm phải có sự liên kết nhiều ngành, phải sớm phê duyệt quy hoạch và đặc biệt chú ý vai trò của cộng đồng.

Ngày 13/6, UBND thành phố cũng có văn bản đôn đốc UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc nhanh chóng hoàn tất quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, thiết kế nhà mẫu và quy hoạch khu giãn dân, để báo cáo thành phố trước 30/6.

Lãnh đạo thành phố lưu ý chọn lọc phạm vi không gian và diện bảo tồn theo hướng ưu tiên đối với thôn Mông Phụ, nơi có nhiều kiến trúc, cảnh quan có giá trị. Đối với bốn thôn còn lại sẽ thực hiện bảo tồn có chọn lọc, để tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương được giao tổ chức lại Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, thành phần tham gia có cấp ủy, chính quyền và đại diện nhân dân. Nguồn thu từ bán vé tham quan sẽ được công khai với nhân dân xã Đường Lâm.

Cuối tháng 4, hàng chục người dân xã Đường Lâm đã cùng viết thư gửi cơ quan chức năng xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia của làng cổ. Bởi nhiều hộ dân cho rằng, quy định cứng nhắc về bảo tồn di tích đã gây khó khăn cho đời sống của họ, nhiều nhà chật chội song không được cải tạo, sửa chữa. Chính quyền cũng không có kế hoạch giãn dân, hỗ trợ người dân cải thiện đời sống.

Sau đó, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã về Đường Lâm và trực tiếp xin lỗi người dân khi chính quyền địa phương chưa hỗ trợ dân thời gian qua.

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích