Ảnh: GDVN. |
Nó có dát vàng không vậy? Cư dân mạng cười rớt răng hỏi nhau. Nó chống được động đất cấp mấy? Người ta đầu tư kiểu gì để hết những 600 triệu cho một diện tích 29m2? Đơn giá 20 triệu đồng/m2, thậm chí không có trong đó tiền sử dụng đất!?
Tất nhiên, căn nhà vệ sinh nọ không dát vàng. Cũng không có bồn tắm xông hơi, bể sục, thiết bị massage, cảm ứng tự động. Cũng chẳng phải thiết kế kiên cố kiểu boongke để chống động đất, bom nguyên tử hay sóng thần. Nó kỳ khôi ở chỗ dù tốn đến ngần ấy tiền thì các thầy cô giáo vẫn phải dùng búa, đột đục thêm những cái lỗ để… thoát nước, trong khi đó, các bác bảo vệ phải xách nước chứa sẵn để học trò dùng ca múc nước dội.
Chuyện nhà vệ sinh ở Quảng Ngãi nó còn thú vị đến nỗi có trường đã có sẵn hai nhà vệ sinh nhưng vẫn được “ấn” thêm cho cái thứ ba. Còn chuyện nhà trường tham gia giám sát ư? Hãy nghe lời cô hiệu trưởng trường Hành Thịnh nói trên báo chí: “Quá trình thi công Sở GDĐT cũng cơ cấu hiệu trưởng vào ban giám sát, nhưng bản vẽ thiết kế mình đâu biết gì, vào ban giám sát cho vui…”.
Nhưng hẳn nhiên, nó có lý do chính đáng cho số tiền 600 triệu đồng. Lý do đó, rất đơn giản và ai cũng sẽ gật gù chấp nhận ngay: Đây là một căn nhà vệ sinh được xây bằng tiền thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, người ta vẫn gọi là “tiền chùa”.
Ngay sau chuyện ngôi nhà vệ sinh “chống bom nguyên tử” ở Quảng Ngãi, cư dân tình cờ bắt gặp một quả cầu biểu tượng (kiểu cổng chào) tơi tả ở Bình Dương. Nó tả tơi đến mức báo chí ví nó với một chiếc áo rách.
Từ TP.HCM vào Bình Dương, ai cũng sẽ nhìn thấy nó, dù không phải ai cũng biết nó tốn kém đến 40 tỉ đồng. Những miếng nhựa phản quang để “tạo hiệu ứng nhấp nháy đẹp mắt” giờ rơi rụng lả tả. Nhìn quả cầu biểu tượng, người ta lập tức nhận được một bài học, rằng chớ có lai vãng quanh đó khi trời có gió. Nhìn quả cầu, người ta cũng thông cảm cho những người xây nhà vệ sinh 600 triệu.
Tất nhiên, nhiều cái nhẽ còn phải làm để nhìn nhận những gì đằng sau sự lãng phí. Chỉ có điều là những câu chuyện tréo ngoe giờ phổ biến quá. Phổ biến đến nỗi người ta không còn nổi giận được nữa. Nhưng phải chăng khi người ta không còn nổi giận, có nghĩa là sự giận giữ đã đến giới hạn?!
Theo NLĐ