Còn bao nhiêu thủy điện thi công ẩu?

Thứ sáu, 21/06/2013, 09:03
Cũng như thủy điện Đăk Mek 3, thủy điện Ia Krêl 2 sau khi sự cố xảy ra, Sở Công thương chỉ nắm được hồ sơ thiết kế cơ sở. Việc chủ đầu tư thủy điện này xây dựng theo thiết kế nào, chất lượng, tiến độ công trình thi công đến đâu…không cơ quan nào nắm rõ?

vỡ đập thủy điện

“Bóp méo” công trình so với thiết kế

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với lợi thế về tiềm năng thủy điện, các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch hàng loạt các dự án thủy điện, đặc biệt là những dự án thủy điện vừa và nhỏ để cấp phép đầu tư.

Thế nhưng, lợi dụng khe hở trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, phần lớn, các chủ đầu tư thủy điện đã bất chấp hậu quả có thể xảy ra để “bóp méo” công trình so với thiết kế phê duyệt ban đầu, nhằm làm giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.

vỡ đập thủy điện

Sự cố thủy điện Đăk Mek 3, xe tải đâm vỡ bờ đập thủy điện

Cụ thể như vụ vỡ thủy điện Ia Krel 2 ngày 12/6/2013 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai; vụ vỡ bờ tường thượng lưu bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 thuộc xã Đăk Choong, huyện Đăk Lei, Kon Tum ngày 22/11/2012… là những ví dụ cụ thể.

Sau khi sự cố thủy điện Đăk Mek 3 (công suất 7,5 MW) xảy ra, chủ đầu tư là Công ty CP thủy điện Hồng Phát Đăk Mek đã không báo cáo với các cơ quan chức năng, nhằm ém thông tin.

Tuy nhiên, sự cố vỡ bờ tường làm chết một công nhân lái xe là anh Nguyễn Viết Hùng (1984, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã không giấu được dư luận.

Nhận được thông tin sự cố xảy ra, Sở Công thương tỉnh Kon Tum mới yêu cầu chủ đầu tư nộp toàn bộ hồ sơ công trình để xem xét xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố?

Căn cứ thực tế hiện trường và hồ sơ thiết kế ban đầu, cơ quan chuyên môn đã kết luận: nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế. Lõi đập đã thay đổi từ bê tông mác 150 thành đá, cát sỏi. Vì vậy đã thay đổi từ kết cấu đập bê tông trọng lực sang kết cấu đập bản chống.

Sự việc cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nắm bắt được hồ sơ thiết kế cơ sở. Những khâu còn lại trong quá trình thi công xây dựng công trình đều do chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Do đó khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trực tiếp là Sở Công Thương đã không nắm bắt được các yếu tố kỹ thuật về đảm bảo an toàn đập. Thậm chí, việc chủ đầu tư thay đổi thiết kế nhằm giảm chi phí đầu tư, Sở Công thương cũng như Sở Xây dựng cũng không phát hiện?

Tương tự với thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai làm chủ đầu tư, khi sự cố vỡ đập xảy ra, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 3 tỷ đồng.

Sau khi sự cố xảy ra, Sở Công Thương chỉ nắm được hồ sơ thiết kế cơ sở. Việc chủ đầu tư thủy điện này xây dựng theo thiết kế nào, chất lượng, tiến độ công trình thi công đến đâu…không cơ quan nào nắm được?

Còn đối với Sở Xây dựng Gia Lai thì càng không có bất kỳ một hồ sơ nào liên quan đến thủy điện Ia Krêl 2?

Mạnh tay loại trừ những “quả bom nước”

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, thủy điện Ia Krêl 2 có hồ sơ thiết kế rất đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư có thực hiện xây dựng đúng như thiết kế hay không thì không ai biết.

vỡ đập thủy điện

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 là sự cố mới nhất liên quan tới chất lượng công trình thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên

Ngoài ra, sự cố vỡ bờ tường bể áp lực thủy điện Ea sup 3 vào ngày 25/5/2013 khi đang phát điện không tải do Công ty TNHH Xây dựng Nhật Hà (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm chủ đầu tư cũng là một cảnh báo về chất lượng công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Trong những năm gần đây, UBND các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có quyết định thu hồi và loại bỏ một số dự án thủy điện đã được quy hoạch, cấp phép đầu tư.

Cụ thể như tỉnh Gia Lai thu hồi 14 dự án thủy điện vào đầu năm 2013 do chậm tiến độ. Tỉnh Kon Tum thu hồi 8 dự án thủy điện do chậm tiến độ và loại bỏ 3 dự án ra khỏi quy hoạch cuối năm 2012…

Thế nhưng, với những công trình thủy điện vừa và nhỏ do các doanh nghiệp tư nhân đã và đang đầu tư thì như một “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân.

Với thực trạng xây dựng các công trình thủy điện một cách hết sức ẩu, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của nhân dân như thủy điện Đăk Mek 3, thủy điện Ia Krêl 2… thì những “quả bom nước” có thể vỡ òa bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý nhà nước về thủy điện là một khe hở để các chủ đầu tư lợi dụng làm ẩu, làm lợi trước mắt cho doanh nghiệp. Và hậu quả khi có sự cố xảy ra thì nhân dân phải gánh chịu.

Những sự cố thủy điện đã xảy ra trong thời gian vừa qua là một hồi chuông cảnh báo về chất lượng công trình thủy điện.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt công tác quản lý đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn đập, đem lại sự yên bình cho người dân.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 287 dự án thủy điện với tổng công suất hơn 6.991MW. Trong đó có 244 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Hiện còn có 163 dự án thủy điện đang trong quá trình đầu tư xây dựng khiến cho 25.269 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 5.617 hộ phải tái định cư. Bình quân, 1MW điện ở Tây Nguyên chiếm dụng 10,53ha đất và 10,3ha đất để bố trí tái định cư.

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích