Nổi tiếng và nhộn nhịp nhất là quán cà phê chim cảnh của hội quán Tao Đàn, bên hông công viên Tao Đàn (Q.1). Từ gần chục năm nay, ngày nào quán cũng líu lo tiếng chim hót, nhất là cuối tuần. Khách nhâm nhi ly cà phê, ngắm và lắng nghe đủ loài chim hót. Tại đây, dân chơi chim mang đến đủ loài, từ chim dân dã đến loại quý hiếm như chích chòe, sơn ca, hoàng yến, chào mào...
Người nuôi chim giao lưu với nhau, trao đổi kỹ thuật, dợt chim hoặc đơn giản chỉ để nghe tiếng chim hót. Ông Đàm Văn Quốc, 65 tuổi (ngụ Q.5) có thâm niên chơi chim 25 năm, mỗi tuần ông mang chim ra đây hai lần. “Ở đây có nhiều loài chim, sẽ giúp chim tôi học được giọng hót hay, đồng thời giao lưu anh em chung sở thích”, ông Quốc nói.
Nhiều người không phải dân "nghiện" chim nhưng cũng thường xuyên ra đây để cảm nhận nét yên bình giữa Sài Gòn xô bồ.
Kém phần nhộn nhịp hơn, nhưng công viên Lê Thị Riêng (Q.10) cũng trở thành hội quán của người yêu chim. Chỉ đơn giản mang chim đến, treo trên giàn rồi nhâm nhi cà phê và ngắm chim hàng giờ không biết chán. Có nhiều loài chim có giá đến hàng chục, thâm chí cả trăm triệu đồng.
"Nhưng với người chơi chim, chim được xem như tài sản vô giá không phải cứ có tiền là mua, đắt tiền là bán. Có khi chúng tôi sẵn sàng phóng sinh chim có giá hàng triệu nếu thấy thích”, anh Phạm Trường Sơn chia sẻ.
Ở Sài Gòn, có nhiều quán cà phê chim nhưng nổi tiếng nhất là cà phê chim ở công viên Tao Đàn. Nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của dân chơi chim.
Ngày nào cũng có người mang chim tới đây để hòa chung niềm vui, sở thích với những người như mình.
Ông Đàm Văn Quốc và chú chim chích chòe than ông nuôi ba năm nay. Mỗi tuần, ông ra đây 2 - 3 lần.
Nhộn nhịp nhất vẫn là vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Khi tới hội quán, người nào cũng mang theo ít nhất hai lồng chim.
Chim được treo trên giàn.
Hoặc để dưới đất.
Mọi người cùng nhau trò chuyện, chủ đề chính vẫn xoay quanh các loài chim. Nhiều người dù không nuôi chim vẫn thường xuyên tới đây để nghe tiếng chim hót, cảm nhận sự bình yên giữa Sài Gòn xô bồ.
Những chú chim được chủ nâng niu, chăm sóc rất kỹ. Anh Phạm Trường Sơn đang cho con thanh tước ăn châu chấu.
Chim mang đến đây với mục đích chính là để luyện giọng bằng cách nghe các loài chim khác hót.
Không nhộn nhịp bằng công viên Tao Đàn, nhưng hội quán chim ở công viên Lê Thị Riêng cũng thu hút nhiều người. Chủ quán cho lắp một giàn treo có diện tích rộng.
Với đam mê chim, khách có thể ngồi hàng giờ ngắm đủ loài chim hội tụ, đua nhau hót.
Dịch vụ bán dế, châu chấu "phục vụ" cho bữa ăn của chim cũng rộ theo.
Người đàn ông này ngày nào cũng mang dế, châu chấu, sâu... từ Bình Chánh tới công viên Lê Thị Riêng bán.
Đối với dân chơi, chim là tài sản quý, không phải thấy cao giá là bán. Nếu thích họ có thể phóng sinh chim có giá hàng triệu đồng của mình. |
Theo Infonet