Nghe lời kẻ xấu, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm lao động ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bỏ tiền để sang Trung Quốc làm việc. Cuộc sống nơi đất khách đã trở thành địa ngục trần gian, ám ảnh họ suốt đời.
Nghe kiếm ăn được thì đóng tiền đi
Anh Phan Trọng Doãn (ngụ xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân) làm việc trái phép tại tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc từ ngày 29/2 đến 29/4/2013. Anh Doãn kể: “Thủ tục sang Trung Quốc làm việc rất đơn giản. Đưa đủ từ 5-6 triệu đồng thì họ sẽ tổ chức đưa đi. Ra đến Móng Cái, họ tập trung mấy chục người lại rồi đi đò qua sông, sau đó họ dùng ô tô chở đi đâu mình cũng không rõ. Chỉ biết sau 7-8 giờ đi liên tục, họ đưa đến một nhà máy sản xuất vành ô tô. Làm việc được mấy ngày, công an Trung Quốc đột kích bắt giữ và nhốt vào trại. Lúc đó, mình mới biết đang ở huyện Trùng Hới, tỉnh Quảng Đông”.
Ông Nguyễn Thành Chung, Trưởng Công an xã Kỳ Xuân, cho biết từ năm 2012 đến nay, tại xã có rất nhiều người sang Trung Quốc làm việc trái phép. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, đã có tới 92 người; tập trung nhiều ở xóm Xuân Thắng (37 người), Bắc Thắng (20 người), Xuân Phú (7 người), Nguyễn Huệ (5 người). Trong đó, nhiều em chỉ mới 15 tuổi như: Nguyễn Thị Cẩm Trang (xóm Bắc Thắng), Trần Hựu Thuận, Nguyễn Văn Sơn, Trần Văn Sơn (xóm Xuân Thắng)...
Theo những lao động bị trục xuất khỏi Trung Quốc, họ nghe lời rủ rê của những người quen từng làm việc bên Trung Quốc nói rằng lao động bên đó thu nhập khá. Bà Vỵ, trưởng xóm Xuân Thắng, xã Kỳ Xuân, cho biết bởi ở nhà không có việc làm, khổ quá nên người dân trong xóm bỏ sang Trung Quốc nhưng qua đó mới thấy thu nhập thấp mà cuộc sống cực khổ nên nhiều người bỏ về.
Sang Trung Quốc “làm chui”, anh Cao Văn Soa và vợ bị bắt giam và trở về tay trắng
Vào trại giam vẫn phải làm việc
Sang Trung Quốc được một thời gian ngắn, nhiều người lao động ở xã Kỳ Xuân vỡ mộng vì phải làm việc không công trong các trại tạm giam do cư trú bất hợp pháp. Anh Cao Văn Soa (SN 1984, ngụ xóm Cao Thắng) bức xúc: Bỏ ra 6 triệu đồng, người môi giới đưa anh sang một nhà máy làm việc được 9 ngày thì cảnh sát đến bắt nhốt vào trại giam vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Phòng giam chật nhưng nhốt tới hơn 20 người, hằng ngày chỉ ăn toàn rau và bị bắt làm các việc như cuốn dây điện, làm đồ chơi trẻ em. Không làm thì không cho ăn. Đói nên mọi người ai cũng phải làm việc. Ở trong trại 3 tháng mà anh Soa sút hẳn 12 kg. Sau đó, cảnh sát áp tải tất cả lao động Việt Nam đến gần khu vực cửa khẩu rồi bắt thuê thuyền qua sông theo đường tiểu ngạch trở về nước.
Cùng chung cảnh ngộ như anh Soa là 10 lao động khác ở xã Kỳ Xuân. Họ sang Trung Quốc làm việc từ ngày 29/2 đến 8/3/2013. Tất cả đều bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam. Người ít thì bị giam hơn 1 tháng, người nhiều là 3 tháng rồi mới trả về nước.
Với họ, những ngày bị tạm giam tại Trung Quốc thực sự là một cơn ác mộng khó quên. Chị Nguyễn Thị Minh (SN 1985, ngụ xóm Cao Thắng) kể: “Phòng rộng khoảng 50 m2 nhưng mười mấy người ở. Tất cả việc ăn, tắm, vệ sinh đều chung 1 phòng. Khổ nhất là những người ốm. Nếu không làm việc sẽ bị bỏ đói, không phát thuốc nên vẫn phải cố làm việc”.
Ngoài ra, trong quá trình bị giam, tất cả người lao động phải trả tiền thuê chăn màn, nơi ở với số tiền 260 NDT/người. “Họ bắt nhốt mình, bỏ đói, bắt làm việc không công 3 tháng thế mà còn bắt nộp tiền thuê chăn màn, tiền ở... Biết là vô lý nhưng không biết tiếng, lại ở nơi đất khách nên chẳng kêu được ai” - chị Cao Thị Luyn (ngụ xóm Cao Thắng) than thở.
Dân sang Trung Quốc, xã không biết Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, cho biết người lao động đi làm việc trái phép ở Trung Quốc do tự ý đi nên xã không hay biết. Hiện xã đang khuyến cáo người dân đừng đi làm việc chui vì không bảo đảm quyền lợi. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người lao động mất tiền, bơ vơ nơi đất khách; còn các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi trái phép thì không bị xử lý, ông Lĩnh cho biết thêm: “Xã đang chỉ đạo công an điều tra các đối tượng đưa người đi trái phép trên địa bàn xã, khi đủ căn cứ sẽ đề nghị xử lý theo pháp luật”. |
Theo Nguoilaodong