Đủ kiểu dân nhậu “lách”… đo nồng độ cồn

Thứ sáu, 28/06/2013, 15:27
Tổ chức nhậu tại gia, đi xe ôm hoặc taxi đến quán, ngủ lại nhà bạn nhậu… cánh đàn ông có đủ kiểu để “lách” lực lượng cảnh sát tại TP.HCM ra quân đo độ cồn trước quán nhậu.

nhậu

Nhộn nhịp nhậu tại gia

Trước đây, cứ tuần một hai tối, anh Nguyễn Văn Lợi, nhà ở Q. 4, TP.HCM lại đi xe sang chỗ ở cũ tại Q. Gò Vấp để họp mặt với mấy ông hàng xóm. Mọi người đều làm công việc tự do, mỗi bữa nhậu vài két bia là chuyện thường, lai rai đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Cho dù say đến mấy thì lâu nay, anh Lợi cũng lên xe máy phi về nhà cách cả chục cây số.

Hôm nghe thông tin, cảnh sát ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, anh Lợi tạm gác đi nhậu xa vì sợ bị phạt. Khổ nỗi chỗ ở mới không có “độ”, mấy ông bạn ở xóm cũ í ới gọi qua nhậu và bao luôn chỗ ngủ qua đêm nên anh lại lên đường đi họp mặt.

“Nhà mấy ông bạn rộng rãi, mình ở lại cũng chẳng sao nhưng nếu thường xuyên quá thì cũng ngại. Nên tôi xác định giảm bớt nhậu, lâu lâu cuối tuần mới sang thăm bạn cũ một bữa, còn nữa ở nhà nhâm nhi vài lon cho bớt thèm”, anh Lợi nói.

nhậu
Thay vì ra quán, nhiều quý ông tổ chức nhậu tại nhà để tránh bị có thể bị cảnh sát đo nồng độ cồn.

Giảm bớt số lần hẹn bạn ra quán nhậu, dạo này, ông Lê Ba (ngụ ở đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh) lập luôn bàn nhậu ở vỉa hè trước nhà. Bạn nhậu chủ yếu là những người gần nhà, người lo mồi, người lo bia. Ai ở xa đến nhập cuộc phải tuân thủ nguyên tắc của ông đặt ra: không được quá chén, say phải ở lại hoặc có bắt xe ôm về.

Trong bữa nhậu gần đây, họ liên tục bàn tán về chủ đề công an ra quân đo độ cồn ở các quán nhậu, nếu bị “túm” là phạt tiền triệu như chơi nên chẳng dại gì mà lao đầu vào. Nhậu tại gia là cách đối phó tốt nhất, an toàn vì không phải đi lại.

Hơn nữa, theo ông Ba, cách này còn giúp tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ so với chi phí nhậu ngoài quán. “Ra quán, 3 - 4 người bét nhất cũng vài trăm bạc. Uống ở nhà đơn giản lắm, có gì xài nấy không cầu kỳ. Cái thú của đàn ông chúng tôi là cần vài chén để lời ra lời vào thôi chứ ăn đáng bao nhiêu”, ông Ba cười.

Chị Trần Ngọc Vân, ở phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, bày tỏ, việc chồng ham nhậu là vấn đề hết sức nan giải của gia đình chị lâu nay. Kiểu gì thì kiểu, ít nhất tuần cũng một buổi chồng chị ra ngoài nhậu đến say khướt vẫn phi xe máy về nhà, chưa kể những hôm nhậu chưa "đủ đô".

Thế mà mới đây, chị không khỏi bất ngờ khi chồng tuyên bố: “Lâu lâu em làm mồi giúp anh, từ nay anh nhậu ở nhà chứ ra quán tốn tiền mà còn bị “vẫy” là đi luôn nửa tháng lương”. Cực hơn một chút nhưng chị Vân hớn hở ra mặt. Chồng nhậu ở nhà chị có thể kiểm soát được, bớt tốn kém hơn và chị cũng có thể ngồi nhâm nhi trò chuyện cùng chồng.

“Khỏe nhất là khoản mình không còn thót tim khi mỗi đêm ổng nhậu xa, phi xe máy về nguy hiểm vô cùng. Nhậu ở nhà cũng giảm luôn được khoản tăng hai, tăng ba gì đó của các ông”, chị cười.

Ra quán cũng tìm cách “lách”

Theo chị Trần Ngọc Vân, lực lượng cảnh sát ra quân đo nồng độ cồn ở các quán nhậu ít nhiều tác động đến thú ham nhậu của các ông chồng. Vợ năn nỉ đến mấy chắc gì đã được, các ông lại hay tinh tướng cho rằng mình say vẫn có thể đi xe như thường nên chỉ khi đứng trước nguy cơ bị đánh thẳng vào túi tiền mới lo đường tránh.

Vậy nhưng, chị thừa nhận với đàn ông, ngoài ham vui còn có lúc nhậu vì công việc nên cũng khó tránh tuyệt đối việc ra quán. Chị đã bàn bạc với chồng, nếu hôm nào cần ra quán thì sẽ đi xe ôm hoặc gọi taxi chứ nhất quyết không đi xe máy. Hôm nào tiện, chị sẽ xung phong đi cùng, ra ngồi chỉ phá mồi để tỉnh táo chở chồng về. 

nhậu
Cơ quan chức năng ra quân đo nồng độ cồn trước các quán nhậu giúp chị em bớt được phần lo lắng.

Trước giờ cũng như nhiều người, anh Huỳnh Văn Thạnh (ngụ ở đường Huỳnh Văn Bánh, Q. Phú Nhuận) rất chủ quan, quá chén đến mấy vẫn điều khiển xe như thường, có men còn đi hăng hơn. Không ít phen anh gặp tai nạn vì đi xe lúc say nhưng chưa nằm một chỗ nên hứa vài hôm rồi đâu lại vào đấy.

Lúc đầu nghe thông tin kiểm tra, xử phạt về nồng độ cồn người lái xe, anh Thạnh chẳng để ý. Đên hôm, chính đồng nghiệp của anh Thạch ngà ngà từ quán nhậu ra bị lập biên bản xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi chạy xe gắn máy thì anh mới “nhột”. Thêm nữa, mấy hôm nay đi qua các quán nhậu lớn ở Bình Thạnh, Phú Nhuận… anh đều thấy lực lượng cảnh sát nên càng thêm ngợp.

Không phải dân chuyên nhậu nhưng anh Thạnh cho rằng, việc ra quán nhậu với cánh mày râu rất khó tránh vì còn quan hệ bạn bè, làm ăn. “Cuộc vui nào không cần thiết tôi sẽ khước từ để bớt phiền toái. Còn khi không thể trốn, tôi bắt taxi đi nhậu cho oách. An toàn mà tính ra tiền taxi còn rẻ chán so với tiền phạt”, anh Thạnh tính toán. 

Tuy nhiên theo anh Thạnh, chính các quán nhậu cũng có đủ cách thu xếp để khách hàng có thể qua được "cửa ải" cảnh sát như bố trí xe ôm phục vụ khách; cho người canh chừng chọn thời điểm cảnh sát vắng mặt để khách có thể rút lui khỏi quán an toàn... Thế nên, cho dù lực lượng cảnh sát đang ra quân "canh cửa", các quán nhậu ở khắp nơi trong thành phố cũng không bị ảnh hưởng là bao.

“Đường ra quán nhậu” không còn dễ dàng, có thể kéo theo nhiều rắc rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính nên nhiều ông than phiền “phạt thế này thì chết”. Ngược lại, hầu hết chị em có chồng ham nhậu lại phấn khởi, ủng hộ việc phạt thật nặng đối tượng xỉn còn lếu láo đi xe. Cho dù việc xử phạt chưa chắc đã giúp các ông chồng giảm nhậu nhưng cũng giúp họ bớt lo được phần nào…  

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM đã lập biên bản xử lý 7.609 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có 98 vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia làm 14 người chết.

Từ nay đến cuối năm 2013, Phòng CSGT sẽ phối hợp với công an 24 quận, huyện lập các chốt chặn trên những tuyến đường có nhiều hàng quán bán rượu, bia để tiến hành kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

 

Theo Dantri

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích