Hà Nội phản hồi "đào đường nhựa, phủ bê tông"

Thứ sáu, 28/06/2013, 16:30
Sau khi báo giới đăng tải tình trạng “đào đường nhựa phủ bê tông” tại đường Lê Văn Lương theo dự án đường chuyên dụng cho xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã –  bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), Sở GTVT Hà Nội đã có thông tin phản hồi.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân - PGĐ Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT được Hà Nội phê duyệt Quyết định với quy mô tuyến đường bằng kết cấu mặt đường bê tông xi măng.

Chiều dài của tuyến khoảng 14,7 km, rộng 3,5 m/làn, hướng tuyến từ Bến xe Kim Mã – Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương- Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi – Hà Đông – Ba La Bông Đỏ.

Hiện trạng tuyến BRT đi qua đã được Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn trong nước và nước ngoài khảo sát, đo vẽ, kiểm tra cường độ, đánh giá tính toàn chi tiết trong suốt quá trình triển khai dự án.

Theo đó, các phố Giảng Võ (đầu tư trước năm 1980), phố Láng Hạ (đầu tư năm 1985) và phố Lê Văn Lương (đầu tư năm 2000) được xây dựng từ lâu nên cường độ chịu tải mặt đường không phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế tuyến BRT.

xe buýt nhanh

Theo Sở GTVT Hà Nội, các phố Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương được xây dựng từ lâu nên cường độ chịu tải mặt đường không phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế tuyến BRT.

Sau khi Bến xe Hà Đông được di chuyển sang bến xe Yên Nghĩa, đồng thời Bộ GTVT cũng đầu tư tuyến đường sắt trên cao (Cát Linh – Hà Đông), để giảm hệ số trùng lặp tuyến…

Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với Ngân hàng Thế giới (WB), UBND TP. Hà Nội đồng ý chỉnh hướng tuyến theo hướng Bến xe Kim Mã - Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương – Lê Văn Lương kéo dài – Trục Bắc Hà Đông – Lê Trọng Tấn – Quang Trung Bến xe Yên Nghĩa.

Ông Tân cho biết, sau khi phương án tuyến được điều chỉnh, do các tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, trục Bắc Hà Đông, Lê Trọng Tấn đều mới được đầu tư, hoàn thành sau năm 2010 nên hoàn toàn phù hợp với trọng tải tính toán cũng như đáp ứng cường độ mặt đường trong quá trình khai thác vận hành tuyến BRT.

Ông Tân cho biết thêm, do đặc điểm xe BRT có tần xuất lớn, dừng đỗ, hãm phanh tại các vị trí nhà chờ cố định trên tuyến nên Sở GTVT Hà Nội cũng nghiên cứu đề xuất chỉ thay thế kết cấu mặt đường bê tông nhựa tại vị trí nhà chờ bằng kết cấu bê tông ximăng để đảm bảo chống lực hãm phanh gây xô mặt thảm và tải trọng của đoàn xe.

“Phương pháp thiết kế xử lý này đã được áp dụng thành công tại vị trí các trạm thu phí đường bộ trên QL5… Do vậy thời gian tới sẽ triển khai thi công kết cấu mặt đường tại các điểm dừng đỗ xe BRT theo đúng thiết kế trên đường Lê Văn Lương kéo dài, trục Bắc Hà Đông và đường Lê Trọng Tấn. Hoàn toàn không có chuyện dừng đào đường”, ông Tân cho biết.

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn