Cơn mưa nặng hạt lúc 0h30 ngày 9/8 đã khiến tình hình ngập úng ở Hà Nội càng nghiêm trọng. Đặc biệt tại khu vực Keangnam có nơi úng ngập gần 1m. Trên tuyến vành đai 3, nhiều phương tiện bị chết máy do đường ngập, gây ùn tắc kéo dài.
Đường vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến chìm trong biển nước ngày 8/8 (Ảnh: Internet) |
Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Công Tuyên – Phó phòng kĩ thuật môi trường nước của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay: “Thực tế đường vành đai 3 đoạn từ khu vực Nguyễn Trãi trở đi, hệ thống cấp nước phụ thuộc vào hệ thống ở lưu vực sông Nhuệ.
Một khi sông Nhuệ nước dâng cao thì khu vực đó không thoát nước kịp được là đương nhiên. Khi mực nước sông Nhuệ chưa hạ, rất khó để khắc phục ngập úng ở khu vực này.
Tuyến đường đó cũng mới được xây dựng, chưa được làm vệ sinh sạch sẽ và cũng chưa được bàn giao cho công ty chúng tôi chống ngập úng nên mới xảy ra chuyện trên”.
Nước chưa tràn khỏi hồ Gươm
Ông Tuyên cũng thông tin thêm: “Để xử lý úng lụt trong nội thành, chúng tôi đã sử dụng hết công suất vận hành của các thiết bị, máy móc cũng như các trạm bơm, đặc biệt trạm bơm Yên Sở.
Đến nay, hầu hết các khu vực ở nội thành không còn xảy ra tình trạng úng ngập. Nhưng nếu mưa tiếp tục kéo dài, khả năng trạm bơm Yên Sở sẽ gặp khó”.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, nếu mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, tại Hà Nội có thể sẽ xảy ra ngập úng tại 22 điểm.
Trong vài ngày vừa qua, do lượng mưa lớn, dồn dập nên Hà Nội đã xảy ra úng ngập tại nhiều vị trí như ngã ba Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, trước số 1 Liễu Giai, trước 343 Đội Cấn, Trần Bình, Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khuyến, Thái Hà, Ngọc Lâm, Cầu Chui, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Tòa nhà Keangnam - Khuất Duy Tiến… với mức độ từ 0,15 – 0,3m.
Nói về tình trạng ngập lụt cục bộ ở khu vực hồ Gươm, ông Tuyên phân tích: “Sự thật thì nước ở hồ Gươm vẫn thấp hơn so với mực nước trên mặt đường. Chúng tôi đã xem rất kĩ các bức ảnh phóng viên chụp, thực ra mực nước ở hồ Gươm so với bờ hồ vẫn còn có khoảng cách.
Trong lúc mưa, trên mặt đường luôn luôn có nước. Ảnh chụp ở góc độ đó khiến người ta suy luận không chính xác chứ không phải nước tràn hồ Gươm”.
Khẳng định việc xả nước từ sông Nhuệ vào nội thành để cứu đê không gây nguy hiểm tới người dân thủ đô, ông Tuyên nhấn mạnh: “Việc đưa nước từ sông Nhuệ về, vào năm 2008 chúng tôi đã từng thực hiện rồi nên sẽ đảm bảo được an toàn cho Hà Nội khi lãnh đạo thành phố có chỉ đạo như thế”.
Thế nhưng, vị đại diện của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội này cũng thừa nhận: “Chúng tôi không chắc chắn liệu trạm bơm Yên Sở có đáp ứng được nhu cầu không khi xả nước từ sông Nhuệ vào nội thành bởi trên thực tế, mực nước ở sông Nhuệ rất lớn”.
Theo VTCNews