Những Hai lúa cuối cùng ở Sài Gòn

Thứ năm, 22/08/2013, 13:49
Trước cơn lốc đô thị hóa cùng sự sụt giá của hạt lúa, họ là những nông dân cuối cùng trên bán đảo Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) gắn bó với nghề cha ông để lại.

Làng trong phố

Đường Bình Quới quy tụ những quán nhậu hoành tráng, quán cà phê sân vườn, karaoke xập xình... cũng là chốn ăn chơi có tiếng. Trai gái dập dìu toàn chạy xe tay ga đắt tiền, tóc nhuộm xanh đỏ. Ít ai ngờ giữa chốn lung linh đó vẫn tồn tại song hành một vùng quê.

Một chiều trung tuần tháng 8/2013, khi cơn mưa vừa tạnh, chúng tôi rẽ phố về làng. Nhiều ô ruộng vừa cấy xong, lúa vẫn còn xanh mướt màu mạ. Ông lão tên Phạm Văn Ngãi (ngụ tổ 30) quày quả ra đồng từ sớm, khi cái nắng còn gay gắt sau cơn mưa vừa ráo hột để tranh thủ làm cho xong việc.

Ông có cái dáng lom khom khi ngồi nhổ cỏ, khuôn mặt sạm đen và những ngón tay hoen màu. Ông có cả thảy 10 công ruộng, các con gồm tám người cả trai lẫn gái đều dựng vợ gả chồng cũng làm nông mà còn phải lo kế sinh nhai, nên lẽo đẽo chỉ mình ông gánh gồng.

“Vài năm nay, từ khi bả khuất núi thì một mình tôi làm thôi...”, lão nông giữa lòng thành phố nói bằng giọng buồn. Bóng ông lão thui thủi, lặng thinh in trên cái nền ruộng xanh.

Một năm có hai vụ, vụ mùa vào tháng cuối năm, vụ hè thu vào tháng hè. Ông lão nói, vụ nào trúng lắm mới được 20 giạ/công, mỗi giạ bằng 22kg thóc, còn thường thường chỉ 15, 16 giạ là đã cao lắm. Năm ngoái vụ mùa năng suất chỉ được 14 giạ.

Trước mỗi vụ cấy, ông lão đều phải vay nóng 5-6 triệu đồng để lo chi phí phân bón, tiền giống, tiền thuê công cấy, tiền thuốc trừ sâu, trừ cỏ... với lãi suất 200.000 đồng/triệu/tháng. Đến khi thóc lúa xong xuôi, bán được mới trả cả gốc và lãi. Quệt vội những giọt mồ hôi, ông tỏ bày: “Tiền vụ mùa đã trả hết đâu vì thóc còn chưa bán hết, vẫn đang đóng bì nằm ở nhà mà vẫn cứ phải vay cho vụ hè thu...”.

Dọc đường ra cánh đồng, chúng tôi thấy nhiều ô ruộng bỏ hoang, cỏ dại loang chằng chịt. Hỏi thì ông lão tiếc nuối kể rằng ngày trước cách đây chừng năm năm, cả khu này là cánh đồng lớn. Nhưng vài năm trở lại đây, năng suất lúa thấp, giá lại bèo bọt chỉ khoảng 80.000 đồng/giạ, trừ đi chi phí thì chẳng dư ra bao nhiêu, mà cũng khó bán nên dân làng chuyển sang nuôi cá, thả sen ở những thửa tốt, phần ruộng nào không thuận nước thì cứ bỏ hoang vậy thôi.

“Nhà ai bỏ ruộng lão đều xin về cấy tất. Vụ này vừa xin thêm hai công nữa. Chứ ruộng từ thời cha ông, bao nhiêu đời khai khẩn mà bỏ hoang sao đành...”, giọng ông lão ngậm ngùi.

Ước mơ cho ngày sau

Gần đó, vợ chồng ông Lê Văn Dũng (ngụ tổ 29) đang nhổ mạ để cấy thửa ruộng cuối. Mạ cao hơn gang tay, sợ cấy sẽ lướt lúa nên vợ chồng ông phải bứt bớt đầu mạ cho cây lúa xuống ruộng được cứng cáp.

hai lua

Vợ chồng ông Lê Văn Dũng.

Vợ chồng ông cấy 5 công ruộng, nuôi 2 con. Cô con gái vừa tốt nghiệp CĐ Du lịch đi làm thu ngân cho một nhà hàng ở Q.1 được một năm, cậu con trai đang học lớp 8. Ông Dũng nói: Con nhà nông nên hôm nào được nghỉ các cháu cũng phụ ba mẹ làm ruộng.

Chúng tôi hỏi làm ruộng có đủ nuôi hai con ăn học không thì bà Loan (vợ ông Dũng) ngưng tay nhổ, xếp mấy bó mạ vào sọt, tâm sự: “Cô chú phải đi làm thợ nữa. Nông nhàn là chú đi phụ hồ, phụ xây ở quận 1, cô chạy chợ bán rau cỏ. Ở vườn nhà trồng nhiều rau lắm, từ xà lách, rau muống đến hành ngò, mà toàn rau sạch thôi, rồi tăng gia gà vịt...”.

Ông Dũng cho biết thêm, nhà không có thửa ruộng nào thuận nước nên không nuôi cá được, nên chỉ cấy lúa và cũng chỉ để ăn, nuôi gà vịt chứ không bao giờ bán. “Làm nông cực, lại chẳng khá được. Suốt ngày cứ bán mặt cho đất bán lưng cho trời sớm tối. Quần quật làm mà cơ cực vẫn hoàn cơ cực. Hạt thóc giờ có giá bao nhiêu đâu mà công sức bỏ ra thì trời bể nên sau này con cái chú nhất quyết không cho làm nông”.

“Con chị nó ra trường rồi, làm việc ở thành phố. Còn thằng em cũng phải học thì mới sướng thân được”. Nếu thế đời cô chú xong thì ruộng bỏ hoang sao?. Bà Loan cười xòa: “Đến đâu hay đến đó, chứ cô chú làm ruộng còn dài dài à...”.

Ông lão 75 tuổi Phạm Văn Ngãi cứ một mực mời chúng tôi về dùng cơm cho biết nhà biết cửa. Căn nhà lợp mái tôn năm gian rộng thênh, um tùm cây trái. Từ đầu ngõ đã nghe tiếng gà vịt kêu, đứa cháu nội lon ton chạy ra đón ông.

Theo CATP

Các tin cũ hơn