Cầu vồng 6 sắc đến Việt Nam
Lá cờ cầu vồng 6 sắc, biểu trưng cho ước mơ về sự tự do và đa dạng, một viễn cảnh mà những người ở giới tính thứ 3 luôn mong mỏi. Cũng như những màu khác biệt của cầu vồng có thể đứng cạnh nhau một cách tự nhiên và đẹp đẽ.
Cờ cầu vồng đã được công nhận trong Hội nghị toàn cầu do những nhà sản xuất cờ tổ chức và Lá cờ cầu vồng là vật không thể thiếu trong những cuộc diễu hành của cộng đồng Gay và Lesbian. Vì, nó như là biểu tượng. Tuy nhiên biểu tượng ban đầu của cờ cầu vồng là sự đa dạng, tính bao gồm, niềm hy vọng và sự mong mỏi.
Ở Việt Nam, thời gian gần đây lá cờ này xuất hiện khá thường xuyên. Cuối tháng 6 vừa qua, Ngày hội Gia đình Cầu vồng 2013 được diễn ra với hơn 60 thành viên, cặp đôi thuộc cộng đồng LGBT (những người đồng tính nữ, người đồng tính nam, song tính luyến ái, hoán tính/chuyển đổi giới tính) và con cái họ. Sự kiện còn có sự tham gia của trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam).
Ban tổ chức chương trình cho biết, đây là dịp mà các cặp đôi LGBT ngồi lại cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện, nhu cầu của mình trong việc xây dựng gia đình. Rất nhiều vấn đề được đưa ra, như chuyện có con và nuôi dạy con cái, chuyện thay đổi định kiến xã hội, chuyện hỗ trợ từ xã hội, pháp luật.
Hôn nhân đồng tính là một vấn đề không thể né tránh. Chương trình Ngày hội Gia đình Cầu vồng. |
Những cặp đôi LGBT, chưa được kết hôn theo quy định pháp luật, nhưng đã sống cùng nhau, xây dựng gia đình cùng những đứa con.
Họ vẫn đau đáu với rất nhiều những câu hỏi về cuộc sống, cách nuôi dạy con cái và tất nhiên, vẫn không quên góp sức để thay đổi xã hội, để pháp luật sớm thừa nhận nhu cầu chính đáng, giản đơn của họ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng họ vẫn hy vọng, ban tổ chức chương trình khẳng định: "Gia đình Cầu vồng Việt Nam vẫn chờ đợi bừng sáng như sau một cơn mưa!".
Những năm gầy đây, ngày càng nhiều các cặp đôi đồng tính có xu hướng công khai giới tính thật, thậm chí một số còn làm đám cưới hoành tráng với mong muốn được xã hội thừa nhận. Tháng 5 vừa qua đã có một lễ cưới tập thể giả định của 10 đôi đồng giới tại Hà Nội không chỉ là tâm điểm của cộng đồng LGBT mà còn xôn xao dư luận.
Không thể né tránh
không thể "bị lây" đồng tính
Chia sẻ về những lo ngại trong việc nuôi con của các cặp đôi đồng tính, chuyên gia về giới và tính dục Mạnh Hải cho biết: "Nhiều người phản đối cho phép các cặp đôi đồng tính nuôi con vì lo sợ đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành đồng tính, hoặc phát triển lệch lạc, không tốt như những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình dị tính "có bố và có mẹ". Tuy nhiên, nếu hiểu về xu hướng tính dục là sự hấp dẫn về tình cảm, tình yêu và tình dục và là tự nhiên, không thể lựa chọn, hoặc "bị lây", thì có nghĩa các đứa trẻ lớn lên trong gia đình đồng tính sẽ phát triển là chính nó. Nếu nó là đồng tính, nó sẽ là đồng tính; là dị tính thì sẽ là dị tính. Điều này cũng giống như những đứa trẻ đồng tính, sinh ra và lớn lên trong các gia đình dị tính (có bố và có mẹ), vẫn là một người đồng tính. Còn nếu đứa trẻ có bố mẹ là đồng tính, khi sinh ra chúng sẽ vẫn phát triển bình thường”. |
Khi được hỏi, phần lớn người Việt không ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Nghiên cứu "Thái độ xã hội với người đồng tính" công bố cuối năm 2012 (phỏng vấn định lượng 854 người và phỏng vấn sâu 31 người ở 4 địa bàn là Hà Nội, Hà Nam, TP.HCM và An Giang), cho thấy hiểu biết của xã hội về đồng tính còn rất hạn chế. Gần 90% người đang hiểu sai ít hoặc nhiều về người đồng tính và kỳ thị họ.
Trên 75% người được hỏi ủng hộ quyền của người đồng tính, đặc biệt là quyền chung sống và nhận con nuôi. Tuy nhiên, chỉ có 36% ý kiến ủng hộ cho phép người đồng tính kết hôn.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Hôn nhân và gia đình được đưa ra thảo luận tại Chính phủ trong phần cuối phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Nhiều vấn đề lớn, quan trọng lần lượt được đề cập như việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; vấn đề xác định tài sản chung của vợ chồng trong chế độ tài sản theo luật định; vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...
Hiện nay, luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế, thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính. Luồng ý kiến thứ hai là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam.
Dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình với đề xuất không cấm kết hôn đồng giới, nhiều chuyên gia cũng như cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới lạc quan về lộ trình đấu tranh vì quyền của nhóm này.
Người đại diện của tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế Care trao đổi với báo chí rằng, việc thay đổi quy định, từ cấm sang không cấm, thể hiện sự giảm kỳ thị, giúp người đồng tính, song tính, chuyển giới sống hòa nhập, có môi trường an toàn hơn.
Từ trước tới nay, khi hôn nhân đồng giới bị cấm, những đám cưới của các cặp này bị chính quyền địa phương ngăn cản. Ngoài ra, khi quan hệ trong cuộc sống chung của những đôi này trục trặc, việc phân chia tài sản, quyền nuôi con... của họ rất khó giải quyết.
Được biết, cộng đồng LGBT tại Việt Nam hiện nay chiếm 3% dân số, tương đương 2,5 triệu người và ngày càng có nhiều trường hợp người đồng tính chung sống với nhau thành một gia đình. Được biết, hiện nay có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Bên cạnh đó 44 nước khác đã cho phép hai người cùng giới đăng ký sống cùng nhau hợp pháp dưới những hình thức có tên gọi như: Hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình... với những quyền lợi tương tự như hôn nhân giữa hai người khác giới.
Theo Nguoiduatin