Kịch cà phê… gây nghiện

Thứ bảy, 28/03/2015, 16:51
Không phải vô cớ khi một số nhà chuyên môn nhận định hai sân khấu kịch cà phê Tâm Ngọc và Trịnh Kim Chi sẽ nhanh chóng vượt mặt các sàn diễn kịch xã hội hóa vì hai điểm diễn này liên tục tạo được ấn tượng bằng nhiều vở mới có chất lượng.

Khai trương cách đây không lâu, kịch cà phê của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi tại hai điểm diễn - một ở quận 3, một ở quận Gò Vấp (TP HCM) - không chỉ nhằm tạo đất sống cho diễn viên trẻ và sinh viên sân khấu mới ra trường mà còn bắt đầu chú trọng dàn dựng công phu, nghiêm túc những kịch bản chất lượng.

Một cảnh trong vở Thiện ác của kịch cà phê Trịnh Kim Chi
Một cảnh trong vở Thiện ác của kịch cà phê Trịnh Kim Chi

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Có thể nói sau kịch Bệt, kịch cà phê của Trịnh Kim Chi được xem có những chuyển động mới trong làng kịch TP HCM. Trước hết, cô trẻ hóa lực lượng diễn viên, sau đó đặt hàng các tác giả sáng tác kịch bản bám chặt những vấn đề xã hội đang quan tâm. Với kinh nghiệm 15 năm gắn bó với nghề, cô đã tạo cơ hội nâng đỡ lớp đạo diễn trẻ của sân khấu này, để họ mang lại nhiều sáng tạo mới cho kịch”.

Hai vở kịch tạo sức hút hiện nay của sân khấu cà phê Trịnh Kim Chi là Án mạng chốn cung đình (đạo diễn: Tiến Thành) và Cái chết lúc 0 giờ (đạo diễn: Hữu Đằng), với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ: Minh Hoàng, Hữu Đằng, Thanh Phong, Hoàng Bảo, Quang Huy, Uyên Nhi, Tuyết Vân… Đạo diễn trẻ Tiến Thành được đánh giá là một phát hiện mới của sân khấu này. Ngoài ra, kịch cà phê Trịnh Kim Chi còn có các vở: Án trộm, Tình xóm trọ, Thiện ác…đang thu hút khán giả.

Trong khi đó, từ khi dời về rạp Vườn Lài (22 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10, TP HCM), kịch Tâm Ngọc đã góp phần xóa sổ ổ tệ nạn xã hội, bởi rạp chiếu phim cũ này là nơi những kẻ đóng vai khán giả lợi dụng bóng tối móc túi, trấn lột khách đồng tính vào mua vui. Kịch cà phê Tâm Ngọc dựng lên cũng với ý nguyện tạo đất diễn cho đạo diễn và diễn viên trẻ. Vì thế, các vở diễn ra đời trong sự háo hức của gần 40 diễn viên trẻ, đang nỗ lực khẳng định mình tại đây.

Ngoài các vở: Ma động, Ma búp bê, Ngã rẽ tử thần… vừa qua, sân khấu kịch Tâm Ngọc còn thu hút nhiều khán giả đến xem Lâu đài ngọn nến. Nét độc đáo của vở này là pha trộn ba thể loại: tâm lý xã hội, hài và kinh dị.

Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng cho biết vở Lâu đài ngọn nến là kịch bản đầu tiên nằm trong chuỗi kịch bản mà Tâm Ngọc lấy cảm hứng từ những triết lý Phật giáo cơ bản để khuyên răn người đời. Vở kịch mở màn bằng không khí vui tươi, rộn ràng và để lại nhiều suy nghĩ cho người xem khi cánh màn nhung khép lại. Thật vậy, xem Lâu đài ngọn nến, khán giả sẽ thấy khả năng diễn xuất và sự cố gắng vượt bậc của dàn diễn viên trẻ tại đây. Họ không có sự chênh lệch về khả năng nhập vai nên tuyến nhân vật chính, phụ đều hay.

Cả 2 sân khấu kịch cà phê nêu trên dù không có ngôi sao tên tuổi nhưng vẫn thu hút khán giả trong thời điểm sàn diễn khó bán vé. Đây là một điều đáng mừng. “Kịch cà phê đầu tư nghiêm túc cho các vở diễn như vậy sẽ mau chóng qua mặt các sân khấu kịch xã hội hóa hiện nay” - đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích