Các chuyên gia cho rằng, việc Angelina Jolie chia sẻ một cách thẳng thắn những chọn lựa liên quan đến căn bệnh của mình đã góp phần động viên và khuyến khích những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gene đột biến BRCA1 chiếm 5 tới 10% nguyên nhân gây ung thư ngực, và 10 tới 15% nguyên nhân ung thư buồng trứng cho các phụ nữ da trắng ở Mỹ. Trong khi đó, con số này chưa được xác thực rõ ràng trên các nhóm phụ nữ chủng tộc, sắc tộc khác.
Chia sẻ với báo chí, Jolie thẳng thắn nhấn mạnh, quyết định cắt bỏ buồng trứng là một quyết định vô cùng khó khăn với phụ nữ, khi thiên chức của họ là mang thai. |
Hôm 24/3, diễn viên 39 tuổi chia sẻ với The New York Time về quyết định lớn lao trong đời mình. Nỗi sợ căn bệnh ung thư khiến cho cô quyết định tiến hành việc cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng sớm hơn so với dự định ban đầu. Mẹ, dì và bà của cô đều qua đời vì căn bệnh khủng khiếp này: "Để cứu bản thân mình, tôi đã nghĩ đến lựa chọn đó, và cuối cùng tôi đã quyết định thực hiện nó".
Hai năm trước, việc cắt bỏ hai bầu ngực của Angelina Jolie đã khuấy động một cuộc thảo luận lớn về những giải pháp của phụ nữ trước căn bệnh ung thư vú. Quyết định này được đưa ra sau khi Angelina biết về sự tồn tại của gene BRCA1 trong cơ thể.
Một số bác sĩ từng đưa ra lời khuyên cho các phụ nữ được chẩn đoán như Angelina Jolie rằng nên cắt bỏ buồng trứng, dù cái giá phải trả là họ tắt kinh, không thể sinh nở. Thực chất, việc loại bỏ buồng trứng trước sẽ làm giảm nguy cơ gây ung thư vú. Cộng vào đó, việc điều trị và phát hiện ung thư vú cũng dễ dàng hơn với ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, những chi tiết có liên quan đến việc điều trị của Angelina Jolie có thể không được áp dụng cho tất cả các phụ nữ gặp tình trạng tương tự, và phác đồ điều trị cũng tùy thuộc vào từng người.
Ví dụ, Jolie từng viết rằng bác sĩ khuyến cáo cô nên phẫu thuật trước khoảng 10 năm so với độ tuổi 49 mà mẹ cô phát hiện bệnh (tức là khoảng 39 tuổi), tuy nhiên sau đó cô được khuyên rằng tốt hơn cả là tiến hành phẫu thuật ở giai đoạn từ 35 tới 40, lý tưởng nhất là sau khi phụ nữ đã kết thúc việc sinh nở, nhưng trước khi nguy cơ ung thư tăng cao.
Chia sẻ với báo chí, Jolie từng nói rằng cô thường tiến hành đo thử lượng kháng nguyên protein CA-125 (một thử nghiệm tầm soát ung thư) hàng năm, nhằm kiểm soát khả năng ung thư buồng trứng. |
Bác sĩ Kenneth Offit, Giám đốc Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Memorial Sloan Kettering Cancer Center) chia sẻ những suy nghĩ của mình trước quyết định của Angelina Jolie: "Rốt cuộc những gì cô ấy làm là đúng. Cô ấy đã làm điều cần phải làm trong thời khắc quyết định".
Một số quyết định của Angelina Jolie, ví dụ như chưa cắt bỏ dạ con không phù hợp với những gì các chuyên gia từng khuyến cáo, tuy nhiên bác sĩ Jamie Bakkum-Gamez - một chuyên gia về ung thư nhận định: "Không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng đột biến gene BRCA có thể khiến phụ nữ chịu nguy cơ ung thư dạ con". Vị bác sĩ cũng tán thành những quyết định của Jolie về việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone nhằm hạn chế các triệu chứng của tiền mãn kinh sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
Một ví dụ khác là Shira Krance, người phụ nữ 35 tuổi mang trong mình gene đột biến BRCA2. Hai năm trước, cô đã phẫu thuật cắt bỏ ngực, đang băn khoăn giữa việc có nên cắt bỏ ống dẫn trứng: "Các bác sĩ đưa cho rôi rất nhiều lựa chọn, nhưng không ai nói với tôi cần phải làm gì. Thật đáng sợ, nhất là khi nghĩ về việc không thể ở bên các con khi chúng lớn lên. Đó là điều tồi tệ nhất, và tôi sẽ làm tất cả có thể để tránh được nó".
Ethel Zelenske, một bệnh nhân 62 tuổi sống ở Baltimore từng phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng năm 2007. Vài năm sau đó, bà lại vật lộn với căn bệnh ung thư màng bụng - căn bệnh thường xảy ra với những người từng phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng. Những thông tin chia sẻ của Jolie khiến bà lạc quan hơn. Bà chia sẻ: "Bác sĩ nói với tôi sẽ phải chấp nhận sống chung với bệnh. Tôi thực sự xúc động khi Jolie nói: Hiểu biết là sức mạnh, bởi vì tôi cũng luôn nói với mình như vậy".
Theo Ngoisao.Net